Kỳ 4: vẫn tái diễn, khó xử lý triệt để
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh hàng rong trên phố ẩm thực kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã (quận Ba Đình) Ảnh: Mộc Miên |
Có cầu ắt có cung
Dạo quanh các tuyến phố ẩm thực kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) dịp cuối tuần, PV ghi nhận nhiều trường hợp hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Con phố ẩm thực là địa chỉ thu hút du khách bởi món ăn đặc sản phở cuốn, phở chiên phồng. Sôi động thời gian đầu khai trương, hiện nay phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ được đánh giá khá “vắng” khách.
So với các tuyến phố đi bộ đang triển khai tại Hà Nội cấm hoàn toàn các hoạt động giao thông thì tại tuyến phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã một số người dân vẫn bất chấp quy định, xe cộ thoải mái ra vào. Các điểm chốt ngăn cách các bồn hoa di động. Vì vậy, không khó để những người bán hàng rong “lách” vào phố buôn bán. Đặc thù tuyến phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã chiều dài ngắn và nhỏ, hơn nữa do sự buông lỏng quản lý nên nhiều cơ sở kinh doanh tại đây vô tư bày bàn ghế, đồ ăn tràn ra vỉa hè, lòng đường tạo nên hình ảnh thiếu mỹ quan đô thị.
Tại tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), hoạt động thuê xe điện tại đây cũng có vấn đề đáng bàn. Do ít các hoạt động vui chơi tại tuyến phố, dịch vụ cho thuê xe điện phố đi bộ Trần Nhân Tông gần như “độc quyền” kinh doanh. Cả đoạn đường 300m như dành riêng cho loại hình cho thuê xe điện này. Cùng với phần đường rộng nên nhiều trẻ em vô tư phóng xe điện với tốc độ cao, gây nguy hiểm cho người dân và du khách tham quan phố đi bộ, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ.
Là tuyến phố đi bộ tạo “thương hiệu” của Thủ đô, đông du khách tham quan nên hoạt động buôn bán hàng rong tập trung nhiều khu vực hồ Hoàn Kiếm. Hàng rong bán đồ ăn sẵn, hoa quả dầm không tủ kính bảo quản, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh đường phố.
Trước bất cập về tình trạng bát nháo hàng rong tuyến phố đi bộ, cuối tháng 5/2022, theo Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội về quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, hoạt động buôn bán hàng rong ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chính thức bị cấm. Chỉ có một số mặt hàng được phép kinh doanh như bóng bay nghệ thuật, nặn tò he, vẽ truyền thần... Quyết định cũng nêu rõ việc phân công lực lượng CA phường, lực lượng tự quản lập chốt các điểm trước khi vào khu vực.
Chiếu theo quy định, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức. Thực tế, hoạt động buôn bán hàng rong vẫn tái diễn dịp cuối tuần.
Các hộ kinh doanh tại phố ẩm thực kết hợp với đi bộ Đảo Ngọc – Ngũ Xã lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Ảnh: Mộc Miên |
Những kiến nghị từ thực tế
Theo trung tá Lê Văn Thinh - Trưởng CA phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), tính trung bình mỗi tháng, lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính về bán hàng rong khoảng 25 trường hợp, có nhiều trường hợp tái phạm. Dù nỗ lực trong công tác tuần tra, quản lý song khó xử lý triệt để tình trạng buôn bán hàng rong bởi vì nhân lực mỏng, hơn nữa với mức xử phạt hành chính từ 100.000 – 200.000 đồng được đánh giá thấp, không có tính răn đe.
Thời gian qua, CA phường Lý Thái Tổ phối hợp với các đơn vị chính quyền địa phương, tổ dân phố vận động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera giám sát để ghi nhận các trường hợp hàng rong vi phạm. Toàn bộ hệ thống camera khi lắp lên song chỉ được vài ngày là bị các đối tượng cắt trộm dây điện. Các đơn vị lắp camera cũng than phiền vì phải sửa chữa nhiều lần.
Ngoài hoạt động tuần tra thường xuyên, liên tục, trung tá Lê Văn Thinh nêu kiến nghị: “Hiện tại đơn vị đang tuần tra bằng phương tiện ô tô. Thời gian tới, kiến nghị TP Hà Nội trang bị phương tiện tuần tra bằng xe máy cho cơ động hơn, giải quyết trật tự đô thị trên địa bàn, đặc biệt là hàng rong và phương tiện xe ba gác”.
Ghi nhận tại phường Tràng Tiền, trung bình mỗi tháng xử lý vi phạm hành chính khoảng 30 trường hợp bán hàng rong vi phạm. Thực tế, hàng rong tồn tại các tuyến phố đã trở thành thói quen lâu đời của người dân, “có cầu ắt có cung”, do đó việc xóa bỏ kiểu kinh doanh đặc thù là không dễ dàng, đòi hỏi câu chuyện về chính sách quản lý rõ ràng, thông thoáng, tạo sự thuận lợi cho người bán và người mua.
Tại Điều 4, Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành về quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, hoạt động buôn bán hàng rong ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm quy định, không bán hàng rong, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.
Trong quy chế quản lý hoạt động, UBND TP Hà Nội giao trách nhiệm đến các sở, ban, ngành, UBND các phường thuộc phạm vi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo phân cấp nhiệm vụ, phân công lực lượng CA phường, lực lượng tự quản lập chốt tại các điểm nút trước khi vào khu vực; bố trí hệ thống rào chắn cấm tất cả các phương tiện đi vào phố đi bộ, trừ các phương tiện ưu tiên theo quy định; thực hiện công tác giữ gìn an ninh, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giải quyết, xử lý các vi phạm triệt để, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cơ.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Ra quân xử lý vi phạm trật tự trên vỉa hè, lòng phố | |
Kỳ 2: Phớt lờ vi phạm để mưu sinh | |
Kỳ 3: Bát nháo hoạt động bán hàng rong, kinh doanh xe điện lấn chiếm vỉa hè |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại