Kỳ 3: Hàng xách từ nước ngoài về chưa chắc đã là hàng… hãng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Cuộc chiến” giữa hàng chính hãng và xách tay - Kỳ 2: Mua hàng xách tay vì rẻ hơn hàng chính hãng Hầu hết những người ưa chuộng dùng hàng xách tay đều thuộc phân khúc khách hàng trung và cao cấp. Họ cũng là những người ... |
“Cuộc chiến” giữa hàng chính hãng và hàng xách tay - Kỳ 1: Đường về Việt Nam của hàng xách tay Không phải mất tiền làm truyền thông, quảng cáo, lại càng không phải giữ uy tín thương hiệu như hàng chính hãng, hàng xách tay, ... |
Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, việc hàng xách tay có giá rẻ hơn hàng chính hãng, đa phần do các sản phẩm này đã được các đầu mối gom hàng bên nước ngoài mua trong những đợt sale. Nhất là các đợt như Black Friday, Noel hoặc Tết… nhiều hãng thường có đợt sale rất sâu.
Tuy nhiên, những hàng này sẽ hạn chế. Bởi bên các nước khi có đợt sale họ thường thắt chặt quản lý. Mỗi khách hàng sẽ bị hạn chế số lượng khi mua sản phẩm sale. Đây là động thái của các hãng nhằm đưa hàng đến đúng với người có nhu cầu thực, tránh việc gom hàng bán lại ăn chênh lệch. Thế nên cho dù những đầu mối gom sale có đội ngũ săn sale hùng hậu thế nào cũng không thể đáp ứng số lượng hàng rất lớn để chuyển về Việt Nam như chúng ta vẫn thấy.
“Hàng hiệu” được bày bán ở nước ngoài. Ảnh tư liệu |
Cũng có một dạng sale nữa, đó là hàng hàng cận date được các hãng sale để giải phóng kho. Những hàng này khi đưa về Việt Nam với người kinh doanh sẽ tương đối mạo hiểm, bởi rất ít cửa hàng, đại lý có thể khẳng định mình bán hết sản phẩm trong thời gian ngắn. Vậy nên việc mua sản phẩm với mức giá rẻ, và bao nhiêu cũng có… là một điều hết sức phi lý.
“Việc có đều hàng hoặc có số lượng nhiều nếu là hàng xách tay qua “cửa” tiếp viên, phi công hoặc người đi du lịch, công tác tương đối khó. Thậm chí sản phẩm cũng không phong phú. Một cửa hàng xách tay muốn đa dạng sản phẩm không thể trông cậy vào một nguồn…”, chị Nguyệt cho biết.
Chị cũng thừa nhận, ngoài những mối hàng biết rõ ai xách hoặc đầu mối vận chuyển từ đâu, cũng có lúc vì khan hàng nên chị nhập hàng qua những nhà phân phối trung gian. “Lúc này sản phẩm có chuẩn hay không thì chỉ có người bán biết. Kể cả chúng tôi, những người bán đôi khi lấy lại hàng từ các nhà phân phối cũng chỉ bằng niềm tin. Việc đòi hỏi hóa đơn, chứng từ của từng sản phẩm ít ai để ý đến…”.
Không phải cứ hàng xách tay là chuẩn, chị Nguyệt nói. Bởi theo chị, bản thân chị cũng có những chuyến đi nước ngoài và không phải ở các nước Pháp, Ý hay Hàn Quốc sản phẩm đều được bán trong các showroom. “Có những thương hiệu lớn như Gucci, Dior, Chanel… được bày bán ở trên các sạp hàng như trong các chợ nhỏ như ở Việt Nam. Có nghĩa không trưng bày sang chảnh, không có nhân viên hãng phục vụ, mà bán như hàng… bình dân.” Trong cái khắt khe của các thương hiệu lớn về quy định showroom, vị trí và cách thức trưng bày sản phẩm, thì các sản phẩm được bày bán ở các sạp hàng bán cho khách du lịch có phải hàng chuẩn không thì có lẽ bất cứ ai cũng có thể hiểu.
Cũng như chị Nguyệt, chị Thanh Phương (quận Cầu Giấy), nhà phân phối của một số các hãng mỹ phẩm ở tại Việt Nam cho rằng, việc mua hàng xách tay hiện nay nếu như không thực sự tìm được người bán hàng tin cậy, thì rủi ro khi mua hàng là rất lớn.
“Không như mọi người nghĩ về chất lượng sản phẩm của hàng chính hãng không tốt bằng hàng xách tay, tôi có thể khẳng định, cho dù sản xuất ở đâu, cho thị trường nào thì sản phẩm đã là chính hãng thì sẽ đáp ứng tốt nhất cho người sử dụng ở thị trường đó” - chị Phương khẳng định. Chị ví dụ, sản phẩm mỹ phẩm dành cho người châu Âu, nơi chủ yếu có khí hậu ôn đới hải dương, hay khí hậu hàn đới thì các thành phần sẽ khác sản phẩm dành cho người châu Á với kiểu khí hậu gió mùa.
“Tuy có điều chỉnh cho phù hợp với từng đặc điểm khí hậu, đặc điểm của người châu Á hay người Việt Nam, nhưng chất lượng vẫn phải chịu sự quy định của hãng. Không thể nói sản phẩm xuất sang Việt Nam không tốt bằng sản phẩm ở nội địa được” - chị Phương khẳng định.
Cũng theo chị, việc khách hàng ngần ngại khi mua sản phẩm chính hãng có tại Việt Nam cũng có nguyên do của nó. Bởi trước đây, cũng không hiếm có những shop, thậm chí những nhà nhập khẩu vì lợi nhuận mà trộn hàng kém chất lượng vào cùng với hàng nhập khẩu chính hãng. Nhưng đến nay, việc đó đã không còn.
“Hiện nay các hãng vào Việt Nam đa phần có đại diện người của hãng với nhiều khâu kiểm duyệt rất kỹ càng. Các nhà phân phối phải tuân thủ những quy định của hãng từ việc tư vấn, chăm sóc khách hàng và giá cả. Đặc biệt là sản phẩm phải rõ ràng, chính xác. Nếu hãng phát hiện một nhà phân phối nào đó đáp ứng không được hoặc vi phạm về chính sách sẽ lập tức chấm dứt hợp tác”, chị Phương nói.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại