Kỳ 2: Vì mục tiêu quyết giữ vùng xanh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChưa một ngày, một giờ lơ là
Kể từ khi Hà Nội mới bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16/CP, ở ngay đầu ngõ 537 đường Bát Khối, chốt kiểm soát của tổ dân phố số 17, phường Thạch Bàn (Long Biên) đã được lập. Với toàn bộ thành viên là người dân trong tổ, chưa một ngày, chưa một giờ chốt kiểm soát ở khu dân cư này có chút lơ là.
Ông Phạm Hữu Hùng, tổ trưởng Tổ dân phố 17 cho biết, chốt kiểm soát có 47 thành viên, được tập hợp từ tổ Covid cộng đồng và lực lượng tình nguyện. “Mỗi ngày chốt trực được chia ra làm 5 ca, bắt đầu từ 4g30 và kết thúc lúc 21g. Nhưng tính là 5 ca, trên thực tế chốt trực vẫn sẵn sàng cho ca thứ 6, từ 21g đến 24g, căn cứ vào các công điện, chỉ thị của các cấp, nếu cần thiết phải xiết chặt thêm. Mỗi ca trực có 4 thành viên và một trực chỉ huy. Người trực chỉ huy là tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố hoặc những thành viên có kinh nghiệm, tâm huyết…” - ông Hùng nói.
Chốt kiểm soát có sự tham gia của cả lực lượng Cựu chiến binh, Hội phụ nữ… Ảnh: N.H.K |
Nói là chốt trực của tổ dân phố, nhưng có sinh sống, có chứng kiến và có đi qua đây mới thấy hết sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cũng như sự vất vả của những thành viên của chốt kiểm soát. Với 3 tòa chung cư cùng với hệ thống nhà thấp tầng, số lượng nhân khẩu ở tổ dân phố này không hề nhỏ. Nhưng với tiêu chí không làm khó người dân nhưng bên cạnh đó vẫn phải thực hiện nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị 16/CP, phải cố gắng đến mức nào, để cho đến giờ này, khi mà hầu hết người dân đang ấm êm ở nhà, những thành viên vẫn phơi mặt ngoài chốt.
Gần 60 ngày trôi qua, đủ các nắng, mưa… các thành viên của chốt kiểm soát vẫn chưa một lần dời khỏi chốt. “Thành viên lớn tuổi nhất của tổ là ông Trần Vân Văng (SN 1954), tuy tuổi đã cao, thế nhưng ít ai bì lại được với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm như của bác. Mà lạ một điều, ở chốt kiểm soát tổ dân phố số 17, có rất nhiều gia đình có đến 2, 3 thành viên trong đội trực. Như gia đình ông Nguyễn Thượng Tư, chi hội trưởng Chi hội CCB, ngoài ông còn có cả con gái, con rể tham gia, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thoa- Trưởng ban CTMT cùng con trai; gia đình ông Trần Văn Dương-Trưởng ban quản trị nhà chung cư CT1, bản thân đi chống dịch ở xa ở nhà có vợ và con trai tham gia. Còn có thành viên trong chốt kiểm soát như có chồng bị bệnh hiểm nghèo, nhưng vẫn tình nguyện tham gia và chưa một ngày bỏ chốt...” - ông Hùng cho biết.
Quyết tâm giữ vững thành quả
Công việc trực và duy trì chốt kiểm soát là một công việc không hề đơn giản hay dễ dàng. Cái công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như phận làm dâu trăm họ. Nếu dễ dàng để mọi người ra vào, đi lại mà lọt F0 thì chốt kiểm soát có lẽ là đơn vị bị chỉ trích đầu tiên, nhưng nếu chặt chẽ kiểm soát thì lại bị trách móc, lên án là gây khó dễ. “Bản thân ở cương vị tổ trưởng tổ dân phố, đồng thời cũng là một trong những chỉ huy, nhiều lúc cũng cảm phục tinh thần và nhiệt huyết của các thành viên. Nắng hè Hà Nội ong ong, có những buổi trưa nắng nóng đến phồng rộp da, đàn ông còn đỡ, chứ phụ nữ cũng khốn khổ lắm. Rồi trời mưa các thành viên trực mặc áo mưa, cầm ô để đứng kiểm soát. Có những lần tôi chứng kiến có thành viên dùng ô che cho giấy tờ của bà con, chấp nhận mình bị ướt…”.
Cũng là một thành viên trong chốt kiếm soát, anh Nguyễn Hiền Khánh (tòa CT2B, tổ dân phố số 17) cho biết, vất vả là vậy, nhưng cũng nhiều khi gặp những ý kiến trái chiều của cư dân. Cùng chung sống trong một cộng đồng, lại là hàng xóm láng giềng, xử lý thế nào cho ổn thỏa cũng không hề đơn giản. “Không ít lần có cư dân đăng lên trong các hội, nhóm trên mạng xã hội thắc mắc, chỉ trích, đồng thời có những lời lẽ không có tính xây dựng… Cũng buồn lắm chứ, bởi chúng tôi cũng là cư dân, có nhận thức, cũng có sĩ diện, có cảm xúc. Tình nguyện tham gia chốt kiểm soát chẳng phải để ra oai, mà là muốn góp sức giữ cho cả cộng đồng, trong đó có gia đình, vợ con chúng tôi. Bởi mọi người an toàn, chúng tôi mới được an toàn” - anh Khánh nói.
Và theo anh, đa phần người dân đều có ý thức chấp hành những quy định, tuân thủ theo tinh thần của các Chỉ thị. Có phần ít những người với ý kiến trái chiều. “Những lúc như thế thì cũng chỉ biết phân tích, chỉ rõ những điều được và không được theo đúng nguyên tắc, tinh thần của chỉ đạo. Hoặc nếu như chúng tôi có sai, thì cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm và chỉ nhau cách xử lý mền dẻo, linh hoạt hơn”. - anh Khánh quan điểm.
“Có nhiều ý kiến cư dân thắc mắc với chúng tôi, như: Tại sao khách phải test covid mới được vào tòa nhà? Tại sao giấy test Covid-19 lại phải thay đổi sau 72 giờ? Tại sao hàng thiết yếu lại không được chuyên chở vào chân tòa nhà mà dân lại phải ra chốt lấy? Tại sao Quận Long Biên là vùng cam thực hiện chỉ thị 15 mà chốt vẫn thực hiện 15+, kiểm soát chặt như bình thường? Giấy đi đường "một cung đường 2 điểm đến" các chốt khác cho qua mà chốt tổ 17 lại quay đầu? Tại sao các chốt khác dỡ rồi mà chốt tổ 17 vẫn giữ nguyên đến hết ngày 21-9?
Không ngày nào là không gặp phải các phản ứng trên. Nhưng vì mục tiêu quyết giữ vùng xanh, đảm bảo an toàn cho cư dân, các thành viên không ngại va chạm, không bỏ cuộc, không bi quan vẫn kiên cường bám trụ” - ông Hùng cho biết. Bởi theo ông, càng quyết liệt, thì càng hạn chế những sơ suất có thể biến tất cả những ngày người dân ở trong nhà, thực hiện nghiêm chỉnh giãn cách thành công cốc.
Cho đến thời điểm này, theo thông tin từ UBND quận Long Biên, 100% các mẫu test trên địa bàn trong thời gian qua cho kết quả âm tính. Và theo phân bổ cùng của UBND TP Hà Nội, Long Biên thuộc vùng cam, tuy nhiên, chốt kiểm soát của tổ dân phố 17 vẫn chưa một ngày ngừng duy trì. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Vùng xanh nông nghiệp an toàn Nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về tăng cường thực hiện ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại