Thứ năm 28/03/2024 19:32
Miệt thị ngoại hình trong trường học - “thuốc độc” tàn phá tâm hồn trẻ thơ:

Kỳ 2: Tổn thương tâm hồn bằng lời nói

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hậu quả do hành vi miệt thị ngoại hình gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tinh thần, học tập,… của các nạn nhân của vấn nạn này. Thậm chí, nhiều em học sinh còn bị trầm cảm, suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Nạn nhân của miệt thị ngoại hình dễ bị trầm cảm, có hành vi tự gây hại hoặc tự sát
Nạn nhân của miệt thị ngoại hình dễ bị trầm cảm, có hành vi tự gây hại hoặc tự sát

Bị miệt thị ngoại hình như một “cực hình”

Cách đây vài năm, từ thực tế của học sinh trường mình, ThS Nguyễn Hà Bích Vân cùng một số giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên (TP HCM) đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 500 học sinh tại các trường THPT của TP HCM như THPT Trần Khai Nguyên, Trần Quang Khải, Diên Hồng, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai… về ảnh hưởng và tác động của body-shaming trong cuộc sống của học sinh. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 56% học sinh gặp phải hành vi này, trong đó có 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung vào những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng…

Em T.T.L (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, hồi lớp 6 em chuyển vào lớp mới. Lúc ấy em L nặng 70kg và trở thành tâm điểm để mọi người trêu đùa, thậm chí có bạn còn nói những lời khó nghe. Trong lớp cũng không ai nói chuyện với em. Tình trạng này kéo dài trong suốt hơn một năm. L rất buồn, mỗi ngày đến lớp với L. như “cực hình”. Em không nói cho ai biết, kể cả bố mẹ. Những lời nói sát thương ấy khiến L thu mình lại đến mức gần như trầm cảm, có suy nghĩ tiêu cực.

Theo TS. Nguyễn Văn Tường - Giảng viên khoa Giáo dục, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP HCM, phần lớn, người có hành vi “body-shaming” nghĩ hành động của họ là bình thường, mục đích của họ chỉ trêu đùa và không cố ý. Tuy nhiên những lời nói ấy lại làm tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần người khác.

TS. Nguyễn Văn Tường chia sẻ: “Body-shaming có thể vô tình hoặc hữu ý làm tổn thương người khác hoặc tự mình làm tổn thương chính mình. Những tổn thương có thể được biểu hiện ở những cảm xúc âm tính, nếu kéo dài có thể trở thành những cảm xúc tiêu cực, nó cũng có thể làm xáo trộn đời sống, ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, thói quen sinh hoạt, học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh sự vô tình thì trong một số trường hợp người thực hiện hành vi “body-shaming” còn cố ý gây ra điều đó với mục đích làm đối phương suy sụp về tinh thần”.

Về hiện tượng tự “body-shaming” chính mình, TS. Nguyễn Văn Tường nhận định, nếu chỉ dừng lại mức độ thấp thì có người cảm thấy chán ghét, không hài lòng với ngoại hình của mình, còn nếu ở mức độ nghiêm trọng thì có thể dẫn đến hiện tượng mặc cảm ngoại hình. “Hành vi tự “body-shaming” bản thân xuất phát từ việc nhiều bạn trẻ kỳ vọng sự hoàn hảo về mặt ngoại hình và cho rằng, đặc điểm ngoại hình là giá trị quan trọng, là điều kiện tiên quyết để họ có được sự ghi nhận đánh giá hay thăng tiến trong công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Ngược lại, nếu không có đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn chung thì họ sẽ đối mặt với thất bại, không có được mối quan hệ tốt, khó đạt được mục tiêu đã đề ra,...”, TS. Nguyễn Văn Tường cho biết.

Nạn nhân bị trầm cảm, có hành vi tự gây hại hoặc tự sát

Một bác sĩ tâm lý chia sẻ, bệnh nhân mà chị nhớ mãi là một bé gái 15 tuổi mắc chứng Quasimodo (một dạng rối loạn mặc cảm về ngoại hình, có những người mắc bệnh chán ghét, thù hận cơ thể của mình). Để che đi làn da ngăm của mình, cô bé thậm chí dùng móng tay cào rách những phần da lộ ra bên ngoài quần áo. Sau vài năm điều trị tâm lý trong nước, gia đình cô bé buộc phải đưa con sang Singapore học cấp ba để cách ly với đám bạn lấy tiêu chuẩn da trắng là thước đo nhan sắc.

TS. Nguyễn Văn Tường nhấn mạnh, khi một người bị “body-shaming” liên tục trong thời gian dài thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Họ có thể xuất hiện những biểu hiện như tăng/giảm cân, suy nhược cơ thể hoặc dành quá nhiều thời gian để chú ý đến ngoại hình của mình. Bên cạnh đó, chất lượng công việc, học tập, mối quan hệ và kế hoạch tương lai cũng bị xáo trộn đáng kể. Nghiêm trọng hơn dẫn đến những rối loạn về sức khỏe tâm thần.

PGS.TS Trần Thành Nam - Giảng viên trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết những đối tượng để bắt nạt hoặc miệt thị ngoại hình không chỉ là những bạn không được xinh đẹp mà có thể là bất kỳ ai có những đặc điểm ngoại hình khác biệt. Nạn nhân của vấn nạn này sẽ bị suy sụp tinh thần, tự ti, thậm chí nghĩ đến cái chết. Có những người tìm đến ăn kiêng hoặc tìm đến phương pháp làm đẹp phản khoa học,…

“Mỗi lần nghe những lời miệt thị ngoại hình, nạn nhân lại phải trải nghiệm lại những “sang chấn tâm lý”, nhiều lúc những chấn thương này còn nặng hơn tổn thương thể chất rất nhiều khiến cá nhân lâm vào trạng thái trầm cảm, có hành vi tự gây hại hoặc tự sát”, PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Mẹ ơi! Các bạn chê con béo Kỳ 1: Mẹ ơi! Các bạn chê con béo
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động