Kỳ 2: Tháo gỡ những khó khăn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đang từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB, quản lý đất đai. |
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai
Quý 1 và đầu quý 2-2021, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội làm việc với đại diện UBND và các Sở, ngành TP về kết quả tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP.
Theo kết quả tái giám sát các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay. 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4-2021.
Bên cạnh đó, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nói riêng.
Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Vướng mắc của một số dự án còn chậm trễ trong việc giao đất, chủ yếu là ở giải phóng mặt bằng (GPMB). Điều này dẫn đến sự lãng phí về thời gian, công sức, xảy ra khiếu kiện.
Luật sư Lê Đức Thọ, Cty Luật HHD và HHD LawFirm cho rằng: Những vướng mắc về giá đền bù là nguyên nhân của hầu hết các khiếu kiện đất đai nếu thuộc diện tranh chấp hay quy hoạch thời gian qua.
Ông Chử Văn Hà, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cũng cho rằng: Một trong những vấn đề gây tranh chấp nhiều nhất ở các địa bàn dân cư là đất đai. Trong đó, liên quan đến GPMP thường khó có sự đồng thuận. Giá đất đai đền bù theo quy định đa phần quá chênh lệch với giá trị thực tiễn.
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém, GPMB còn chậm, gặp nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp. Tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả nội thành và ngoại thành, khu vực nội đô lịch sử, mật độ dân cư phân bố không đều, chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành... là những vấn đề Hà Nội phải đối mặt và cần sự vào cuộc của cả hệ thống để điều chỉnh dần cho phù hợp.
Thực tiễn Hà Nội có nhiều diện tích đất nông nghiệp được dùng để xây nhà cho thuê, do đó, vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp như thế nào cần được sửa đổi, bổ sung trong các Luật liên quan.
Đối thoại pháp lý để tháo dần các “điểm nghẽn”
Những vướng mắc, khó khăn trong quản lý, sử dụng đất đã được TP Hà Nội nhận diện và sớm tổng hợp trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ; xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba vào tháng 10-2021.
TP cũng chỉ ra rằng: Trong khi chờ điều chỉnh tổng thể chính sách vĩ mô về đất đai, điều cần thiết nhất hiện nay đối với chính quyền cơ sở vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đất đai và các văn bản liên quan cũng như thực hiện nghiêm các quy định liên quan trong lĩnh vực này. Đối với các dự án thu hồi đất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình trên cơ sở vận dụng linh hoạt chính sách đã có, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. Với các dự án đấu giá chuyển quyền sử dụng đất cần công khai, minh bạch để người dân nắm rõ đồng thời biết được nguồn tài chính huy động sử dụng vào mục đích gì. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất dịch vụ còn tồn đọng liên quan đến các dự án thu hồi đất trước đây, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhân dân.
Tại nhiều quận, huyện, thị xã, khối lượng GPMB hàng năm lớn, vì thế, lãnh đạo đã tổ chức những cuộc đối thoại với Nhân dân để tháo gỡ khó khăn.
Ví dụ, quận Long Biên đã lấy chủ đề năm 2021 là: “Dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng.” Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, địa phương đã đưa ra “công thức” 7 bước trong giải phóng mặt bằng; trong đó, chú trọng đến công khai minh bạch giá đền bù, tuyên truyền nắm bắt tư tưởng, đối thoại tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Lắng nghe Nhân dân là một trong những bước rất cụ thể để tháo gỡ nút thắt và tăng hiệu quả của quản lý, sử dụng, GPMB liên quan đến đất đai.
Còn thị xã Sơn Tây cũng coi trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch gắn với phát triển du lịch và tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hoá để phát triển kinh tế xã hội. Tập trung đầu tư nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.
Góp ý cho dự thảo sửa đổi về Luật Thủ đô, các ý kiến đã nêu lên rằng: Phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế như Luật Ðất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…, cho nên việc thực thi bị hạn chế. Luật còn thiếu những quy định nhằm bảo đảm cho Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh; cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng. Đất đai là vấn đề khó đối với công tác quản lý ở mọi quốc gia, mọi địa phương, chính vì thế, Hà Nội cần có những quy định đặc thù, ý kiến từ Nhân dân cũng mong muốn Quốc hội có nghị quyết đặc thù, chuyên đề cho Hà Nội để tháo gỡ các tồn tại liên quan đến đất đai.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Khai thác tốt hơn nguồn lực từ đất |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại