Kỳ 2: Nỗ lực trong cơn bĩ cực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGrab và nhiều hãng xe công nghệ tăng giá cước trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng thời gian qua |
Tăng giá cước
Từ ngày 10-3, tất cả các dịch vụ của Grab từ 4 bánh đến 2 bánh đều tăng giá. Theo đó, hãng xe công nghệ này sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng.
Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó. Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó 4.300 (tăng 300 đồng).
Mức cước dịch vụ này tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Mặc dù, Grab là ứng dụng đầu tiên điều chỉnh giá dịch vụ để bù lại chi phí xăng dầu nhưng mức thu nhập của anh Lê Đăng Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không khá hơn, thậm chí là còn hụt đi. Trước đây, mỗi ngày tài xế Grab này đổ xăng một lần, khoảng 50.000 đồng thì bây giờ con số đó đã gấp đôi, thậm chí là gấp ba. “Hiện tại, nếu trừ đi các chi phí thì tôi chỉ thu về khoảng 300.000 đồng/ngày, đấy là ổn định chứ chưa tính đến ngày ít đơn”, anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, các khoản thưởng, hỗ trợ từ ứng dụng cũng đã bị cắt khiến mức thu nhập của anh Tuấn khó được duy trì ổn định. “Dù được điều chỉnh giá, nhưng có lẽ thời gian tới tôi cũng phải tìm công việc khác vì khó có thể tiếp tục bám trụ với nghề này được”, anh Tuấn chia sẻ thêm về dự định của mình.
Cũng như anh Tuấn, anh Nguyễn Văn Thắng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có một năm hành nghề shipper. Tài xế Gojek này cũng không khỏi ngán ngẩm khi nói về giá xăng. “Xăng tăng, giá hàng hóa tăng nhưng thu nhập vẫn vậy, nhiều lúc cảm thấy chán nản với công việc này”, anh Thắng nói. So với thời điểm mới hành nghề, chi phí xăng xe của anh Thắng đã tăng gấp đôi.
Còn theo chị Nguyễn Thị Thùy, một tài xế GrabBike khu vực Mỹ Đình cho biết, bản thân không thể tăng giờ chạy để đảm bảo sức khỏe và việc nội trợ gia đình. Do đó, việc hãng xe tăng giá cước là một tín hiệu mừng, nhưng “chỉ lo rằng giá xăng lại lên nữa thì cũng như muối bỏ bể. Chưa kể giá tăng thì khách hàng sẽ lăn tăn việc lựa chọn các hình thức khác để tiết kiệm, đến lúc đó cánh tài xế chúng tôi chỉ còn “nước” chuyển việc”, chị Thùy cho biết thêm.
Nỗi lo mất khách
Điều chỉnh giá cước có thể giúp các hãng gọi xe bù đắp một phần chi phí cho tài xế, nhưng nó cũng tác động đến khách hàng. “Tăng giá là phương án cuối cùng”, đại diện một ứng dụng bình luận. Theo phân tích, tăng giá cước dịch vụ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của các đối tác nói chung bởi khách hàng dè dặt hơn khi dùng ứng dụng.
Với áp lực giá xăng tăng liên tục thời gian qua, giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh nên việc tăng giá cước dịch vụ vận tải cũng là điều dễ hiểu |
Trên thực tế, trước việc điều chỉnh này, không ít khách hàng đã chọn “quay lưng” với xe công nghệ, khiến lượt khách giảm mạnh. Chị Nguyễn Thị Tuyết, một nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, từ khi cước phí các hãng xe công nghệ tăng cao, chị đã ngừng sử dụng những dịch vụ này.
“Hiện nay, rất nhiều thứ tăng giá chứ không chỉ giá xăng, giá dịch vụ, do vậy tôi phải cắt bỏ những chi tiêu thừa thãi không cần thiết. Nếu như trước đây tôi có thói quen gọi đồ ăn qua các ứng dụng vì tiện lợi thì bây giờ tôi sẽ tự mang thức ăn từ nhà đi hoặc ăn ở căng-tin cơ quan để giảm chi phí”, chị Tuyết nói. Về việc di chuyển, chị Tuyết cho biết đang cân nhắc sẽ quay lại với các phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, theo gợi ý của một số đồng nghiệp.
Với áp lực giá xăng tăng liên tục thời gian qua, giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh nên việc tăng giá cước dịch vụ vận tải cũng là điều dễ hiểu. Đối với khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ xe công nghệ, việc cập nhật liên tục các thông tin, chính sách mới của từng hãng là rất cần thiết, đặc biệt là các bạn trẻ thường xuyên “săn” voucher, khuyến mãi bởi điều này sẽ giúp tiết giảm chi phí rất nhiều…
Kỳ 1: “Chắc phải bỏ nghề” Dưới tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài giới tài xế công nghệ đã phải chịu nhiều khó khăn để bám trụ với nghề. ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại