Kỳ 2: Chuyện bên những giá sách của người Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiữ nếp sống của người Hà Nội trong sách
Ai yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội hẳn đã ít nhất một lần nghe tên nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, dẫu cho lúc này, ông đã thành mây cuối trời. Tôi có dịp đến nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân vài lần lúc ông đã qua tuổi 80. Ông rất ưu ái những tờ báo của Hà Nội, khi tôi nói đến từ báo PL&XH ông đã ồ lên trong điện thoại: “À, báo mình có nhiều bài người tốt việc tốt, tôi mừng lắm”. Suốt hơn 80 năm gắn bó và yêu Hà Nội, nhà phê bình văn hóa Giang Quân ở trong một ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên.
Lúc tôi đến, căn nhà úa màu thời gian bài trí rất đơn giản, chỉ có riêng giá sách, ông đặt ngay vị trí trang trọng, nhiều ánh sáng nhất trong nhà. Trên giá sách, rất nhiều pho sách về Hà Nội, là công trình nghiên cứu cả đời của ông. Và có rất nhiều tập: “Những bông hoa đẹp của Thủ đô” – một trong những tác phẩm ông tham gia biên soạn, nơi tập hợp những bài viết về gương người tốt việc tốt đã đạt giải thưởng của báo chí Thủ đô qua nhiều năm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân SN 1927, ở tuổi gần 90, ông cũng đã được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” và năm 2015, ông được trao giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội”. Ở nhà nghiên cứu, tình yêu Hà Nội như hơi thở, chậm rãi, gắn bó, sâu sắc. Có lần tôi đến, ông lấy từ giá sách xuống cuốn “Ký sự địa chí Hà Nội”.
Ông bảo: “Đây, riêng cuốn này, bản thảo tôi viết 2 năm trời”. Khi ông viết cuốn này, Hà Nội chưa mở rộng mà mới có 9 quận, 5 huyện và 14 đơn vị. “Mỗi đơn vị tôi viết trong một chương, bao gồm các mục như văn hóa, con người, danh nhân, khoa bảng, các nghề truyền thống, di tích, danh thắng, ca dao, ngạn ngữ, lễ hội. Trong thời gian tới, tôi sẽ hoàn thành nốt 12 đơn vị mới sáp nhập cho đồng bộ” – ông từng nói.
Với gia tài gồm 30 cuốn sách về Hà Nội (in riêng), chỉ riêng trong dịp Đại lễ 1.000 năm, ông đã cho ra 8 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn đã được tái bản nhiều lần. Riêng 2 cuốn “Ký sự địa chí Hà Nội” và “Từ điển đường phố Hà Nội”, đã đưa tên tuổi ông trở thành một định danh trong giới nghiên cứu về Hà Nội.
Giá sách của ông là những tập sách về Hà Nội xếp nối tiếp theo thời gian. Lúc ngồi bên giá sách có đôi lần ông trầm ngâm: “Nhiều lúc, tôi nghĩ mình viết về văn hóa người Hà Nội khi cuộc sống đã đổi khác, Hà Nội đã ồn ào hơn xưa, đôi lúc thấy viết khuyến khích nét đẹp văn hóa như đá ném ao bèo, nhưng tôi không buồn, cái đẹp văn hóa không thể ồn ào, không thể vội vàng, phải viết những thứ giản dị bình thường, nhưng khi đã thấm thì người ta mới học theo, làm theo được”.
Giờ đây, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân đã “về lại cuối trời làm mây bay”, nhưng những công trình sách của ông về Hà Nội vẫn là thứ tài sản quý giá cho văn hóa Hà Nội hôm nay và mai sau. Bên giá sách cũ của ông, tình yêu Hà Nội vẫn thâm trầm, rũ bụi ồn ào như trước.
Cố nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân đặt giá sách ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Ảnh P.T |
Giữ nếp học của người Hà Nội trong sách
Qua rất nhiều ngõ ngách nhỏ trong làng Kim Liên (cũ) tôi mới đến được nhà của thầy giáo Nguyễn Trà- người được biết đến như một “ông giáo” gắn bó với lớp học từ thiện hơn 24 năm. Căn nhà của thầy giáo Nguyễn Trà trong ngõ nhưng ngập ánh sáng, có khoảng sân nhỏ làm chỗ cho lớp học mà thầy thỉnh thoảng vẫn gọi là “láo nháo”. Bởi vì các em không cùng lứa tuổi, không có điều kiện đi học, là những trò chậm tiếp thu nên thầy nói vui vậy.
Trên gác hai, thầy để một giá sách, bên cạnh cửa sổ. Thầy Trà nói lúc tôi đến nhà rằng: Trước kia người ta vẫn nói: Vào nhà ai muốn biết giàu có hay không, thì nhìn giá sách, không như bây giờ người ta hay đo sự giàu có bằng vật chất bên ngoài.
Thầy Trà rất giỏi ngoại ngữ, thầy từng là học sinh trường Bưởi, thi đậu ĐH rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Vật lý, ông về các trường trên địa bàn Hà Nội dạy học, như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi… rồi về nghỉ hưu năm 1989. Thầy Trà thông thạo tiếng Pháp, Đức, Anh, Italy và biết chữ Hán. Ông bảo rằng khi học ngoại ngữ đến một tầm nào đó, sẽ tìm thấy quy luật của nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, không khó học như nhiều người vẫn tưởng.
Trên giá sách của mình, ông kéo xuống một hộp nhỏ, bên trong là một quyển từ điển chép tay tiếng Pháp, ông bảo tôi đừng cầm vào vì nó sẽ vỡ mất. Hóa ra đấy là cuốn từ điểm ông giữ làm kỷ niệm mấy chục năm qua, từ thời còn đi học.
Ông kể: Trước làm gì có từ điển, tôi học tiếng Pháp, chép tay lại hết, chép từng từ một làm từ điển của riêng mình. Đi vào vùng kháng chiến tôi cứ giắt theo cuốn từ điển, vừa học, vừa bổ sung thêm. Qua mấy chục năm, cuốn từ điển đã vàng, giòn và giấy tưởng chừng có thể tan ra nếu bị động vào. Ông giữ gìn rất cẩn thận cuốn từ điển đó cho đến giờ, như giữ lại dấu ấn của một thói quen tự học, tự tìm tòi của thời sách còn thiếu thốn.
Trên giá sách của thầy Trà, sách ngoại văn, sách giáo khoa sắp rất ngay ngắn. Thầy vẫn dạy cho lớp học đặc biệt của mình. Nên bên cạnh những cuốn sách có phần bác học, là những cuốn Toán lớp 4, tiếng Việt lớp 5. Nhờ giá sách ấy, nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ, nhiều mảnh đời khó khăn đã trưởng thành, đỗ các trường ĐH, có người thành giáo viên và sống những cuộc đời có ích.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc tặng sách cho những hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: P.T |
Mang sách trao đi, nhân lên những nét đẹp văn hóa
Khác với nhà văn hóa Giang Quân và thầy Nguyễn Trà, tôi gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc ở phòng làm việc của ông trên đường Lý Thường Kiệt, gần NXB Thế giới. Nhưng bàn làm việc với nhiều bản thảo và giá sách ở góc làm việc của ông vẫn làm tôi nhớ đến tận bây giờ.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc với tri thức sâu rộng, sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, sử dụng được chữ Hán, hơn 50 năm cầm bút, ông đã góp cho đời một loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đó là “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp”, “Mảnh trời Bắc Âu”, “Văn hóa Thụy Điển”, “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, “Chân dung văn hóa Nhật Bản”, “Chìa khóa để biết và hiểu Lào”… Ông đã tập hợp những bài viết từ trước để cho ra mắt cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” bằng 3 thứ tiếng. Trên giá sách của ông, có nhiều tấm bản đồ thế giới đã cũ. Quả địa cầu vẫn quay đều trên bàn.
Ở Hữu Ngọc có một điều đặc biệt, ông không chỉ nhiều sách, mà còn mang sách đi tặng. Hiện tại ông vẫn làm Chủ tịch của Quỹ từ thiện văn hóa (Cultural Charity Fund – CCF). Hữu Ngọc cho biết: đây là một quỹ rất nhỏ so với hai quỹ trên nhưng cũng có những kết quả cụ thể. Tập trung vào một số dự án khiêm tốn nhưng thiết thực, thí dụ thư viện cho nông dân hợp tác xã Thanh Văn, xe đạp đi học và sách vở cho chùa Đông Trang (Ninh Bình) nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, sách giáo khoa cho nhiều trường ở Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, góp sách cho một thư viện một xã ở Thái Bình do một em tàn tật có tâm phụ trách, góp xây dựng thư viện và lớp học tiếng Anh (có người Anh và Mỹ giúp) cho học sinh ở Sóc Sơn do một cán bộ hưu trí phụ trách, giúp một “CLB Người nhiều tuổi” ở phường Kim Mã (Hà Nội) hoạt động văn hóa như tủ sách văn học nước ngoài, nhạc cụ.
Mỗi người Hà Nội yêu sách tôi gặp, đều có những ứng xử chung và riêng với giá sách cuộc đời của họ. Dẫu hoàn cảnh và vị trí khác nhau, họ vẫn đặt sách ở những vị trí trang trọng, nhất trong gia đình và cuộc đời. Bởi có thể đúng như lời nói rằng: Muốn biết một người hãy nhìn vào giá sách của họ. Trong những ngõ nhỏ xóm nhỏ Hà Nội, chắc vẫn nhiều người nâng niu giá sách của mình, mặc phố xá ngoài kia ồn ào đổi thay.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại