Kỳ 1: Vừa tổ chức sản xuất hiệu quả, vừa an toàn phòng chống dịch bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển khai song song nhiệm vụ ở 2 phân vùng
Ngày 3-9-2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, từ 6g00 ngày 6-9-2021 đến 6g00 ngày 21-9-2021, TP quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.
Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Vùng 2 (phía Bắc, Đông sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao. Gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Phương án đã được phê duyệt.
Vùng 3 (phía Tây, phía Nam Thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.
Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.
Theo sơ đồ phân vùng của TP, thì huyện Thanh Oai đồng thời nằm trong 2 phân vùng: Vùng 1 và vùng 3.
Lãnh đạo huyện Thanh Oai tặng quà động viên các lực lượng trực chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Tam Hưng. |
Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, huyện Thanh Oai quyết tâm phủ kín "vùng xanh" toàn huyện, đồng thời tạo thuận lợi tối đa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", cùng TP và cả nước đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Theo đó, từ ngày 6-9, huyện Thanh Oai đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại 2 vùng. Cụ thể, đối với "vùng đỏ", là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ rất cao, gồm các thôn Mùi, Trên, Giữa, Thượng (xã Bích Hòa) và các thôn Khúc Thủy, Cự Đà, Thượng và khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê), tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội với một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó", "ai ở vùng nào thì ở vùng đó".
Trong khi đó, "vùng xanh" là khu vực sản xuất nông nghiệp, có 1 phần đô thị hóa nhưng mật độ dân cư thấp, gồm toàn bộ địa giới hành chính của 19 xã, thị trấn và một phần địa giới còn lại của 2 xã Cự Khê và Bích Hòa, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, khu dân cư, khu sản xuất là một "pháo đài" chống dịch, tuân thủ 5K và sẵn sàng khoanh vùng cách ly các khu dân cư khi có dịch.
Huyện Thanh Oai tiêm vắc-xin cho các cụ trên 65 tuổi tại xã Cự Khê ngày 13-9. |
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, ngay sau khi kế hoạch được ban hành và phổ biến rộng khắp, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong toàn huyện Thanh Oai đã khẩn trương bắt tay vào triển khai từng phần việc cụ thể, với tinh thần "phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính".
Trong đó, Công an và các lực lượng phối hợp bố trí chốt kiểm soát dịch bệnh; tiến hành cấp và quản lý sử dụng giấy đi đường theo đúng quy định; tổ chức phân luồng, làn giao thông khoa học, hiệu quả.
Người dân trong "vùng đỏ" tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội, an tâm "ai ở đâu, ở đó".
Còn tại "vùng xanh", chính quyền địa phương cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm nguồn cung cho "vùng đỏ", cũng như nhu cầu của người dân Thủ đô trong mọi tình huống.
Đảm bảo sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng nông sản
Theo ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, để bảo đảm người dân vừa tổ chức sản xuất hiệu quả, vừa an toàn phòng, chống dịch bệnh, huyện Thanh Oai đã có văn bản yêu cầu 23 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi... Qua đó, tăng nguồn cung nông sản, đảm bảo nhu cầu về lượng thực thực phẩm cho người dân địa phương cũng như sẵn sàng cung ứng cho các quận nội thành.
UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế tham mưu cho UBND huyện phương án chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo an ninh lương thực, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và tăng trưởng nông nghiệp theo kế hoạch.
Đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch trên địa bàn.
Rà soát các đối tượng đề nghị cấp giấy lưu thông cho phương tiện vận chuyển vật tư, hàng hóa để tham mưu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nông sản, đảm bảo chuỗi cung cầu thông suốt.
UBND huyện Thanh Oai đã xây dựng phương án hỗ trợ Nhân dân đảm bảo sản xuất vụ đông năm 2021 – 2022. |
Theo đó, hỗ trợ máy móc phục vụ cơ giới hóa; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Lựa chọn hỗ trợ mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn, giống cao sản, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ và sản xuất theo chuỗi liên kết. Huyện sẽ hỗ trợ các đợt vệ sinh tiêu độc môi trường phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn huyện.
Huyện Thanh Oai tăng cường hợp tác, kết nối tiêu thụ các nông sản từ các quận, huyện và các tỉnh thành lân cận. Duy trì hoạt động nhóm zalo kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm trên địa bàn…
Hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp
UBND huyện đã ban hành 8 Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số 1.004 đối tượng lao động tự do với tổng kinh phí 1.506.000.000đ; 16 lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương với số tiền là 63.360.000đ; 3 hộ kinh doanh với số tiền là 9.000.000đ. Hỗ trợ 13.147 đối tượng (người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo). Hỗ trợ cho 13.147 đối tượng (người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo) với tổng kinh phí là 13.147.000.000đ (ngày 21-8-2021 cấp xong).
Đã hỗ trợ, xác nhận cho 3 cơ sở giáo dục tư thục, doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 32 lao động, tổng kinh phí là 185.839.720 đồng và đã xác nhận cho 11 doanh nghiệp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương cho 123 lao động trên địa bàn (trực tiếp do BHXH huyện thực hiện).
Tổng số đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa là trên 3.500 đối tượng với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
UBND huyện đã thực hiện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ các F1 đủ điều kiện sau khi hết cách ly y tế tập trung có hồ sơ đề nghị theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01-7-2021. Tổng kinh phí hỗ trợ: 108.800.000 đồng. Đợt 2 cấp về xã Cự Khê kinh phí hỗ trợ F0, F1: 15.400.000 đồng.
Các cấp công đoàn huyện Thanh Oai luôn chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp, sát cánh cùng doanh nghiệp và người lao động triển khai những công việc cụ thể, mang lại hiệu quả cao |
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện có 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Thanh Oai, Cụm công nghiệp Bích Hòa (xã Bích Hòa) và Cụm công nghiệp Thanh Thùy (xã Thanh Thùy) với tổng số 128 doanh nghiệp, 5.786 công nhân. Trong số này có 76 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh; 52 doanh nghiệp đang hoạt động với 1.662 lao động (chủ yếu là lao động tại địa phương).
Để nắm rõ về công tác tổ chức sản xuất và các điều kiện phòng, chống dịch bệnh tại từng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện Thanh Oai đã trực tiếp đi kiểm tra. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều có ý thức tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, giảm 1/2 số lượng người tham gia sản xuất tại xưởng.
“Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài Cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng phương án thực hiện "mục tiêu kép", và trình UBND huyện phê duyệt để hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết.
Theo ông Bùi Văn Sáng, UBND huyện Thanh Oai đã hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, công nhân của Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật Nguyễn Văn Thành cho biết, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND và văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai, công ty đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, vận hành dây chuyền sản xuất tăng 30% so với thời điểm giãn cách trước đó; đồng thời tiếp nhận người lao động trong, ngoài "vùng xanh" đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.
Cũng theo ông Bùi Văn Sáng, các cấp công đoàn huyện Thanh Oai luôn chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp, sát cánh cùng doanh nghiệp và người lao động triển khai những công việc cụ thể, mang lại hiệu quả cao.
Hiện, Thanh Oai có 111 "Tổ an toàn Covid-19" với 324 thành viên, duy trì hoạt động hàng ngày, hàng giờ, nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong từng phân xưởng. Cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện, các "Tổ An toàn Covid-19" trong doanh nghiệp đang tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động. Từ đó, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động và phát triển sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp. Thanh Oai đã triển khai xây dựng 4 mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" để quyết tâm thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn".
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thông tin, huyện đang tiếp tục rà soát lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại hoặc mở rộng quy mô xây dựng, bổ sung phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở phương án phải bám sát theo tiêu chí, quy định của vùng 3 (tại Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP).
Ông Bùi Văn Sáng nhấn mạnh, khi được UBND huyện phê duyệt phương án phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp mới được phép hoạt động trở lại. Các phương án này phải cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế, gắn với các quy định về "vùng xanh" của TP. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp tiếp nhận người lao động trong, ngoài "vùng xanh" đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch…
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch covid-19 huyện Thanh Oai, tính đến 15g ngày 13-9, số mẫu xét nghiệm đã lấy được 10.828 mẫu. Số mẫu xét nghiệm cộng dồn đã lấy: 50.014/52.618 đạt 95,05%. Tính đến 15g ngày 13-9, số mũi đã tiêm được: 6.904 mũi (Mũi 1: 6.899, Mũi 2: 5 ). Hiện tại chưa ghi nhận sự cố bất thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Lũy tích: Số mũi tiêm cộng dồn đến hết 15g00 ngày 13-9-2021: 129.695 mũi (Mũi 1: 120.775 ; Mũi 2: 8.920). Tỷ lệ % so với dân số 18 tuổi trở lên đạt 120.775 /139.625 = 92,88%. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại