Thứ sáu 26/04/2024 06:24
Thi đánh giá năng lực là gì, nên làm gì trước hàng ngàn “lò” luyện thi năng lực

Kỳ 1: Thi đánh giá năng lực là gì, có nên dự thi hay không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ vài kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH,CĐ) trở lại đây, thí sinh và phụ huynh được tiếp cận một cụm từ “Thi đánh giá năng lực”. Tại kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, các thí sinh cũng lại rất băn khoăn trước hàng vạn câu hỏi xung quanh vấn đề này. Loạt bài của Pháp luật & Xã hội sẽ nhằm giải đáp những thắc mắc với những góc nhìn khách quan giúp các thí sinh và phụ huynh đưa ra các quyết định của mình trong việc lựa chọn trường ĐH, CĐ, ngành nghề phù hợp với năng lực học tập.
Kỳ 1: Thi đánh giá năng lực là gì, có nên dự thi hay không?
Thông thường, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào một ngành (trường) nào đó bằng cả 2 phương thức thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp (nếu trường dùng 2 phương thức này), thậm chí cả các phương thức khác (học bạ, chứng chỉ tiếng Anh…). Tuy nhiên, thí sinh dù đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển duy nhất bằng 1 phương thức. Ảnh: Khánh Huy

Kỳ thi đánh giá năng lực là gì?

Vào mùa tuyển sinh, dự kiến nhiều trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi năng lực của Đại học quốc gia để xét tuyển, và một số trường tự tổ chức thi đánh giá năng lực nên có khá nhiều thí sinh tham gia kỳ thi này để tăng cơ hội trúng tuyển. Đây có thể nói là một trong những yếu tố quan trọng làm số lượng thí sinh đăng ký thi năng lực nhiều hơn.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó mỗi trường sẽ có những hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022. Thí sinh phải tham khảo Đề án tuyển sinh các trường dự định xét tuyển vào trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực hay kỳ thi tốt nghiệp 2022.

Thông thường, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào một ngành (trường) nào đó bằng cả 2 phương thức thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp (nếu trường dùng 2 phương thức này), thậm chí cả các phương thức khác (học bạ, chứng chỉ tiếng Anh…). Tuy nhiên, thí sinh dù đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển duy nhất bằng 1 phương thức. Nếu thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường bằng kết quả thi đánh giá năng lực thì các phương thức khác của bạn sẽ bị xóa bỏ. Do đó, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chỉ có lợi cho thí sinh và các trường trong các mùa tuyển sinh.

Nếu đăng ký thi đánh giá năng lực, thí sinh hãy ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao của tất cả các kỳ thi tham dự và khi trúng tuyển bằng một phương thức nào đó vào trường mình yêu thích hãy yên tâm xác nhận nhập học để ổn định cho bạn và nhà trường. Như vậy bạn đã tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh khác vào ngành học họ yêu mến.

Kỳ thi đánh giá năng lực về cơ bản là bài kiểm tra tập trung đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh chuẩn bị bước vào ĐH, thông qua bài thi tổ hợp gồm với hơn 100 câu hỏi. Dạng đề thi sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Nội dung bài thi tích hợp đầy đủ cả về kiến thức và tư duy với hình thức cung cấp số liệu, dữ liệu và các công thức cơ bản, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng ghi nhớ. Kỳ thi được xây dựng với cách tiếp cận tương tự như kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Mặt tích cực của kỳ thi đánh giá năng lực là tăng cơ hội trúng tuyển. Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ giúp thí sinh tăng khả năng được trúng tuyển vào ĐH Quốc gia mà còn giúp các em thử sức, kiểm tra lại lượng kiến thức, kỹ năng đã học trong 3 năm qua cũng như tạo tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần lựa chọn được những thí sinh đủ tiêu chuẩn và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Vì vậy, định hướng kiểm tra đánh giá các năng lực cơ bản, cần thiết để học sinh học tốt đại học và học suốt đời.

Bản chất của các bài kiểm tra năng lực thường không đề cao khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, đánh giá kiến thức tổng hợp, mức độ hiểu biết của thí sinh về mọi mặt, hạn chế việc học. tủ. Việc sử dụng kết quả bài kiểm tra năng lực để xét tuyển đầu vào phù hợp với tiêu chí tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ

Tuy nhiên, các kỳ thi đánh giá năng lực như hiện nay – theo nhiều chuyên gia – vẫn còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, dù tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, các thí sinh thi cuối cấp vẫn phải thực hiện một kỳ thi bắt buộc nữa đó là thi tốt nghiệp THPT. Điều này cũng tạo thêm áp lực thi cử cho các em. Ở Việt Nam, kỳ thi đánh giá năng lực tuy không hoàn toàn mới nhưng vẫn xa lạ với nhiều thí sinh ở các tỉnh. Do đó, để tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt, giáo viên các trường cần có sự tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ các thí sinh này, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, đến việc định hướng và phương pháp học tập

Có nên dự thi hay không?

Được biết, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn ra vào ngày 26 và 27-2 đã có 1.142 thí sinh dự thi trên tổng số 1.301 em đăng ký tham gia kỳ thi, chiếm tỷ lệ 87,8%.

Kỳ 1: Thi đánh giá năng lực là gì, có nên dự thi hay không?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội: Đến thời điểm hiện tại, nếu kể cả các khoa/trường đại học của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên thì sẽ có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: “Chúng ta đôi khi vẫn chưa nghĩ một cách đầy đủ về việc thi tách khỏi tuyển. Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ tổ chức thi đánh giá năng lực và cấp giấy chứng nhận kết quả thi. Việc xét tuyển phụ thuộc vào chính sách tuyển sinh của các trường ĐH như thời gian nhận hồ sơ, mức điểm sàn, tiêu chí phụ…

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, có một điểm khá độc đáo trong phiếu báo điểm thi đánh giá năng lực bắt đầu triển khai từ năm 2022 là Phiếu báo điểm của thí sinh ngoài điểm bài thi có thêm trường thông tin “Thứ hạng điểm thi”. Thứ hạng điểm thi của thí sinh phản ánh phần trăm thí sinh có điểm bằng hoặc thấp hơn điểm của thí sinh cùng đợt thi đó. Do đó đây là tham số so sánh tương đối trong cùng đợt thi và phụ thuộc vào số lượng thí sinh dự thi. Đó là thông tin hữu ích cho cán bộ tuyển sinh xét tuyển chọn lựa các thí sinh chất lượng bên cạnh việc căn cứ vào điểm thi và phổ điểm như trước đây.

Đưa ra lời khuyên với thí sinh chuẩn bị tham dự các đợt thi tiếp theo, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: “Chúng tôi biết thí đang rất áp lực với học online năm qua và các kỳ thi đang cận kề. Tuy nhiên các bạn muốn dự thi đánh giá năng lực hãy dành thời gian đọc và tìm hiểu về kỳ thi tại trang chủ chính thức http://khaothi.vnu.edu.vn/. Việc tìm hiểu về kỳ thi sẽ giúp các hiểu và bạn yên tâm hơn về kỳ thi, đợt thi để có kế hoạch ôn tập, đăng ký thi phù hợp. Quan trọng hơn nữa, bạn phải tìm hiểu trường ĐH bạn dự kiến xét tuyển có dùng kết quả thi đánh giá năng lực hay không rồi mới quyết định đăng ký dự thi”.

Kết thúc đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chỉ ra những vấn đề thí sinh gặp phải và đưa ra chiến thuật ôn thi đánh giá năng lực hiệu quả. Trước đợt thi, đơn vị đã công bố đề tham khảo và thí sinh được làm thử trực tuyến nên không gặp khó khăn gì.

Một số thí sinh bối rối đôi chút khi làm các câu hỏi điền đáp án vì loại câu hỏi này các bạn ít được luyện tập trước. Thí sinh cần tương tác với máy tính liên tục để bảo đảm đường truyền luôn được duy trì tốt. Sau 10 phút thí sinh không có bất cứ thao tác gì, cán bộ coi thi sẽ nhắc thí sinh tương tác với máy tính. Do đó, với các câu hỏi khó, các bạn hãy bỏ qua và quay trở lại sau nếu còn thời gian để có thể trả lời nhiều câu hỏi nhất.

Về chiến thuật ôn tập bài thi đánh giá năng lực hiệu quả, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, việc đầu tiên, thí sinh phải quen với cấu trúc bài thi, dạng thức câu hỏi. Thí sinh nên làm đề tham khảo trước khi đăng ký dự thi và trước 1-2 ngày thi.

Đối với các bạn có nền tảng khoa học tự nhiên (hoặc xã hội) tốt càng không nên chủ quan và cũng đừng bỏ qua không ôn tập các môn khoa học xã hội (hoặc tự nhiên). Trước ngày thi hãy làm đề tham khảo để biết phân phối thời gian hợp lý, quen với cấu trúc các phần thi để kiểm soát tốt tiến trình làm bài. Thêm một điểm nữa là thí sinh hãy tìm hiểu các hướng dẫn đăng ký thi, thông tin về kỳ thi tại trang chủ chính thức sẽ giúp các bạn hiểu và yên tâm hơn về kỳ thi. Một trong những điểm độc đáo, đặc sắc của các bài thi đánh giá năng lực là câu hỏi ít, thời gian ngắn nhưng đánh giá được các nhóm năng lực chủ đạo của người dự thi.

Do đó, câu hỏi tích hợp liên môn là một trong những yêu cầu bắt buộc của bài thi. Hiện nay, thí sinh đang học song song chương trình giáo dục phổ thông 2006 và bắt đầu tiếp cận chương trình tổng thể 2018 nên bài thi thiết kế theo lộ trình thay đổi bổ sung dần vào theo năm học 2023-2024. Do đó, năm 2024 ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ bổ sung thêm một số câu hỏi tích hợp liên môn.

Đến thời điểm hiện tại, nếu kể cả các khoa/trường đại học của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên thì sẽ có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động