Thứ ba 02/07/2024 10:20
Hồ sơ sức khỏe điện tử thuộc Đề án 06 - bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Kỳ 1: Một sổ điện tử, trăm nghìn tiện ích

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) trên địa bàn TP nhằm giúp mỗi người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình để chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Kỳ 1: Một sổ điện tử, trăm nghìn tiện ích
Một KIOSK tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiều tiện ích từ HSSKĐT

HSSKĐT TP Hà Nội (Tên: EHR - Electric Health Record) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. HSSKĐT ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

Mỗi người dân Hà Nội có một HSSKĐT được theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe người dân; hồ sơ sức khỏe điện tử được bảo mật, chỉ có những người có liên quan được tiếp cận thông tin; người dân có quyền quyết định chia sẻ hay không chia sẻ các thông tin cá nhân trong hồ sơ sức khỏe.

Từ HSSKĐT, người dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội có thể quản lý sức khỏe cá nhân của bản thân và gia đình trên sổ sức khỏe điện tử được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi hướng tới phục vụ hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, điều trị và dự phòng bệnh.

Hệ thống triển khai HSSKĐT gồm 4 phân hệ chính. Nhóm 1 - Phân hệ Thu thập số liệu và triển khai công cụ thu thập dữ liệu khám chữa bệnh của người dân từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hà nội và dữ liệu tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng/tiêm chủng Covid19) của người dân sinh sống trên địa bàn;

Nhóm 2 - Phân hệ Phần mềm HSSKĐT: triển khai Phần mềm HSSKĐT cho cán bộ y tế các tuyến phục vụ quản lý, theo dõi, cập nhật, giám sát thông tin sức khỏe người dân; kết nối với các CSDL quốc gia như dân cư;

Nhóm 3 - Phân hệ Phần mềm Khai thác dữ liệu sức khỏe: triển khai hệ thống Dashboard phục vụ phân tích và báo cáo cho Sở Y tế và các Trung tâm Y tế quận/huyện/thị xã về số liệu HSSKĐT;

Nhóm 4 - Chia sẻ dữ liệu: chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân cho ứng dụng người dân iHanoi.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn TP sẽ được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP. 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn TP được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số. Đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu, đảm bảo đúng thời hạn theo kế hoạch đề ra.

HSSKĐT tử mang lại rất nhiều tiện ích cho cả người dân và y, bác sĩ. Đối với người dân/ bệnh nhân, HSSKĐT thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy. Mỗi người dân sẽ có một quyển sổ sức khoẻ điện tử trọn đời, từ đó người dân đi khám/đi tiêm chủng không còn phải mang theo nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó; giúp người dân biết và tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình (bố mẹ, con cái,…). Người dân có thể chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân và cập nhật dữ liệu y tế cơ bản của bản thân, người thân (cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhiệt độ,…) để người dân có thể chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Người dân cũng được tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và tư vấn điều trị với người mắc bệnh mạn tính; hướng tới kết nối với mô hình khám chữa bệnh từ xa để người dân có thể chủ động tìm kiếm kết nối, tương tác trực tuyến với bệnh viện, bác sĩ khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Đối với y, bác sĩ, HSSKĐT cung cấp cho thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi người bệnh đến khám giảm thời gian thăm khám, điều trị. Bác sĩ có thể tra cứu kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, đơn thuốc, tiền sử người bệnh trong các lần thăm khám trước đó khi được sự đồng ý của người bệnh.

Đối với UBND TP, Sở Y tế: HSSKĐT giúp cho UBND TP, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ dữ liệu HSSKĐT có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp UBND TP, Sở Y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn; tập trung dữ liệu, quản lý toàn bộ các nghiệp vụ y tế (dân số, bệnh không lây nhiễm,….); từng bước sử dụng dữ liệu sức khỏe người dân trong công tác quản lý, báo cáo và chăm sóc sức khỏe người dân

Đối với cơ sở y tế: bước đầu hình thành kho dữ liệu sức khỏe người bệnh tại các cơ sở Khám chữa bệnh được quản lý tập trung trên nền tảng HSSKĐT của TP, dựa vào dữ liệu được đồng bộ lên Hồ sơ sức khỏe các cơ sở khám chữa bệnh có thể chủ động phân tích được dữ liệu khám chữa bệnh của đơn vị mình trên hệ thống; việc dữ liệu được đồng bộ thông suốt giúp các cơ sở khám chữa bệnh có thể kế thừa dữ liệu khám của nhau, giúp cho việc giảm các chỉ định không cần thiết của người dân, lạm dụng sử dụng các dich vụ y tế trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác trong quá trình bệnh nhân chuyển tuyến, chia sẻ dữ liệu kết quả khám của bệnh nhân phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Người dân hài lòng, ủng hộ HSSKĐT

Do bị bệnh tiểu đường nên bà Nguyễn Thị Hương (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) phải thường xuyên đi khám bệnh định kỳ. Trước đây, mỗi lần đi viện, bà lại lo lắng, lục tìm sổ khám bệnh bằng giấy. Không ít lần vì không tìm thấy nên đến viện bà phải mua một quyển sổ khác. Lúc này, bà lại phải điền lại các thông tin nên mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, khi đi khám bệnh, bà không còn lo lắng như trước mà tinh thần rất thoải mái.

“Đi khám bệnh bây giờ rất nhẹ nhàng các khâu từ đăng ký, khám, cho đến thanh toán. Tôi không tốn tiền mua sổ khám bệnh hay mất thời gian điền thông tin, chờ đợi nữa. Chỉ cần tên, mã định danh/CCCD là bệnh viện tra được quá trình khám chữa bệnh của tôi. Thông qua HSSKĐT, tôi cũng chủ động nắm được tình trạng sức khỏe của bản thân”, bà Hương chia sẻ.

Kỳ 1: Một sổ điện tử, trăm nghìn tiện ích
Mô hình hướng dẫn người dân sử dụng KIOSK tự phục vụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhà có con nhỏ nên chuyện đi viện không còn quá xa lạ với gia đình anh Nguyễn Đình Liêm (Hà Đông, Hà Nội). Nhiều lần vợ có việc bận nên anh phải đưa con đi khám. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi tiền sử bệnh của con thì anh lại ngập ngừng vì không nhớ. Rút kinh nghiệm, trước khi đưa con đến viện, anh thường bảo vợ viết ra giấy con từng bị bệnh gì, uống thuốc nào,…để còn “trả lời” bác sĩ.

Có lần, con anh Liêm phải làm xét nghiệm, bệnh viện hẹn hôm sau mới có kết quả. Tuy nhiên, buổi sáng hôm sau, khi đi làm, anh quên mang theo sổ khám, lẫn giấy hẹn lấy kết quả. Đến cổng bệnh viện, anh Liêm mới nhớ ra, lại phải đi xe về nhà lấy giấy tờ rồi mới trở lại bệnh viện.

“Trước đây, con cái ốm đau bệnh tật nên nhiều khi chúng tôi rất cuống, không còn nhớ là cần mang theo giấy tờ cần thiết. Từ khi có HSSKĐT, tôi thấy đi viện không còn “ngại” như trước. Chỉ cần vài giây là các y, bác sĩ có thể nắm được tình tình bệnh tình của con cái tôi trước đó. Mọi thủ tục diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước tôi phải chờ đợi thì giờ tôi chỉ cần đến khu vực KIOSK tự phục vụ, thực hiện vài thao tác là đã hoàn thành thủ tục.

Tôi còn được biết, HSSKĐT còn giúp người dân tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình, chủ động tự đánh giá yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe cá nhân để chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức. Tôi rất hài lòng và ủng hộ chính sách này”, anh Liêm cho biết.

TS Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho rằng, thực hiện chuyển đổi số trong bệnh viện mang lại nhiều lợi ích. Với người dân, việc này góp phần giảm thời gian chờ đợi, dự kiến được thời gian chờ đến lượt khám, lấy kết quả, đi khám không phải mang nhiều giấy tờ, có thể hẹn giờ khám. Trước đây, muốn xem kết quả xét nghiệm bác sĩ phải chờ nhân viên y tế đi lấy thì nay kết quả có sẽ báo ngay trên app. Chuyển đổi số cũng góp phần tiết kiệm chi phí khi bớt in ấn giấy tờ, giảm bớt đội ngũ làm giấy tờ,...

TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Chuyển đổi số là con đường tất yếu, mới đầu chúng ta có thể thấy phức tạp hơn, mất thời gian hơn nhưng khi đã làm, có kết quả thì sẽ thấy rất nhiều lợi ích...Cụ thể, với người dân khi đi khám bệnh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thay vì lấy số xếp hàng để lấy số tiếp, khi đăng ký trên app, KIOSK tự phục vụ, họ có thể chỉ mất một phút, thậm chí là vài giây khi đã quen thao tác”.

“Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp giảm thời gian làm việc của nhân viên y tế. Một điểm đặc biệt khi thực hiện chuyển đổi số là minh bạch, công khai, khách quan, hạn chế sai sót. Ngành y tế Hà Nội mong muốn xây dựng quy trình số của quy trình chuyên môn", TS Nguyễn Đình Hưng cho biết.

(Còn nữa...)

Triển khai thí điểm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội Triển khai thí điểm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội
Có những tiện ích gì từ Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử Hà Nội? Có những tiện ích gì từ Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử Hà Nội?
Hà Nội chính thức vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 Hà Nội chính thức vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động