Kỳ 1: Khi việc chăm sóc sức khỏe dần bị lơ là
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững lời quảng cáo “có cánh”, có hình ảnh chứng thực khiến chị em tin vào công dụng thần thánh của thực phẩm chức năng. Ảnh: T.P |
LTS: Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu của con người cũng vì thế mà thay đổi. Nhiều người luôn giữ và phát huy lối sống cũng như sinh hoạt lành mạnh nhưng một bộ phận người tiêu dùng đang “tin tưởng và phụ thuộc” vào những lời quảng cáo không cần tập thể dục vẫn có thể duy trì được sức khỏe. Đã có nhiều lời cảnh báo, nhiều vụ xử phạt về việc thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng đối với sức khỏe người tiêu dùng, thế nhưng nhiều người vẫn chủ quan khi lựa chọn những sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Tin vào công dụng của những lời quảng cáo?
Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ thực phẩm chức năng (TPCN). Theo thống kê năm 2021, hơn 58% người Việt trên 18 tuổi sử dụng TPCN. Điều đó cho thấy thu nhập, mức sống của người dân đã được cải thiện, vì thế mới có điều kiện mua, sử dụng TPCN để góp phần tăng cường bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn.
Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ TPCN của người dân, thời gian qua, một số DN, tổ chức, cá nhân đã sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để bán hàng. Trong đó báo động nhất là vấn nạn quảng cáo TPCN tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thổi phồng công dụng của sản phẩm.
Chị Phạm Thị Phương Mai (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay đã 38 tuổi, nặng 59kg. Dù không thuộc diện béo phì, nhưng chị vẫn thiếu tự tin mỗi khi diện đồ body, vì sau 2 lần sinh nở thì cơ thể chị đã thay đổi rất nhiều. Phần bụng, hông, đùi, vai, lưng là nơi tập trung nhiều mỡ dư thừa nhất. Công việc tại công ty cùng với chăm sóc gia đình khiến chị không có nhiều thời gian để tập thể dục. Rồi chị được mách dùng loại trà thảo dược, giảm cân nhanh, vừa tiện lợi mà lại chẳng mất công gì…
“Nghe nói đào thải được mỡ thừa, lại detox được cơ thể mà chẳng tốn công sức, thời gian như sử dụng những phương pháp thải độc dân gian nên tôi cũng thử dùng”- chị Phương Mai chia sẻ.
Với giá thành hơn 150 nghìn đồng/ hộp, uống được trong 20 ngày, một ngày chỉ cần uống một lần sau ăn, chị thấy kết quả giảm cân thấy rõ ngay trong tháng đầu tiên. Nhưng để giảm được chừng ấy cân, chị Phương Mai phải trải qua sự đảo lộn trong sinh hoạt: bị tiêu chảy liên tục, cơ thể uể oải. “Có những ngày tôi đi ngoài liên tục 5-7 lần, thậm chí còn hơn”- chị Phương Mai cho biết.
Lo lắng, chị dừng uống trà và đi khám bệnh thì được biết bị rối loạn tiêu hóa và có dấu hiệu suy nhược cơ thể do mất nước.
Anh Đình Long (Láng Hạ, Hà Nội) cao 1m70 nhưng nặng đến 95kg. Cũng do đặc thù công việc làm ca kíp, lại thường xuyên có những bữa tiệc với bạn bè nên số cân nặng ngày càng tăng, cơ thể nặng nề, nhanh mệt mỏi. Tin vào những lời quảng cáo một viên thuốc giảm cân có nguồn gốc từ thiên nhiên có thể “phá” được những mô mỡ cứng lâu năm, anh tốn nhiều chi phí cho những loại thực phẩm giảm cân này nhưng chưa thấy hiệu quả thực tế. “Dừng uống là cơ thể có dấu hiệu tăng cân lại”- anh Đình Long cho biết.
Những video quảng cáo cam kết chữa khỏi bệnh vẫn còn tràn lan trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Đánh vào lòng tin “mơ hồ” của người tiêu dùng
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TPCN nhất thiết phải được sản xuất (hay nhập khẩu) trong dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), nhưng ở Việt Nam có sản phẩm gắn mác TPCN nhưng sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu” là chủ yếu. Tức là người ta mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong, đóng gói và đưa ra thị trường bán cho người tiêu dùng.
Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là “trá hình”. Trong năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19 nghìn sản phẩm vi phạm, sai phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện tới gần 200 sản phẩm vi phạm, xử phạt hàng tỷ đồng đối với những vi phạm sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến TPCN.
“Tôi thấy quảng cáo ghi là chữa dạ dày, xương khớp, rồi nhiều loại TPCN có nhiều người nổi tiếng sử dụng nên cũng tin tưởng mua dùng thử chứ không tìm hiểu”- bà Hồng Loan (62 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ.
Công dụng thần kỳ trong 7 ngày “kích thích” ước mơ giảm cân của nhiều chị em. Ảnh chụp màn hình |
Nắm bắt được sự bận rộn của con người trong xã hội hiện đại, kèm theo việc đánh vào niềm tin của người tiêu dùng khi xem video cắt ghép, dàn dựng nhiều người nổi tiếng đã sử dụng và phản hồi tốt về sản phẩm, không chỉ có người lớn tuổi, mà thậm chí người trẻ tuổi cũng tặc lưỡi mua về dùng thử với suy nghĩ “giá cả không đáng là bao” hoặc “những người nổi tiếng còn dùng thì yên tâm rồi”. Chính vì thế, thị trường này vẫn là miếng bánh ngon khi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng vẫn còn quá lớn.
Xu hướng chăm sóc sức khỏe cá nhân ngày càng được chú trọng, nhu cầu về sản phẩm bổ sung tăng cao sau đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến thị trường TPCN trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chất lượng, sự thiếu hiểu biết về TPCN khiến người tiêu dùng không nắm rõ thành phần, công dụng, liều lượng cần thiết, dễ rơi vào vòng xoáy quảng cáo, tiền mất tật mang. |
(Còn nữa)
Những loại rau giúp bổ sung canxi cho cơ thể | |
Pha mật ong cùng nước bao nhiêu độ là tốt nhất cho sức khỏe? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại