Thứ ba 26/11/2024 00:28
Tự chủ Đại học khi những nút thắt dần được xóa bỏ:

Kỳ 1: Khi tự chủ không còn là vấn đề riêng về tài chính

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lúc đầu, nói đến tự chủ, nhiều trường đều cho rằng đó là tự chủ tài chính, cắt ngân sách. Nhưng thực tế của thí điểm tự chủ đã không phải vậy.

Tự chủ được xem là bản chất của giáo dục đại học (GDĐH). Đó là xu thế tất yếu. Từ 23 cơ sở giáo dục được thí điểm tự chủ, từ những ý kiến cho rằng hình như các cơ sở GDĐH mới đang hiểu tự chủ đơn thuần là về tài chính, Luật Giáo dục sửa đổi, những yêu cầu về đổi mới căn bản giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã giúp các cơ sở GDĐH định hình đúng đắn hơn về tự chủ. Nhất là sau một năm nhiều biến động bởi dịch bệnh, sau những điều chỉnh để đổi mới thi và tuyển sinh, các “nút thắt” vốn trước kia đang được gỡ bỏ dần.

Tự chủ không phải là cắt hoàn toàn ngân sách

Những năm trước, nói đến tự chủ không ít trường còn dè dặt. Bởi quan niệm lúc đầu của đa số đều cho rằng, tự chủ là cắt ngân sách Nhà nước, các trường phải tự cân đối thu chi, tự bơi về vấn đề tài chính. TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định, Luật GDĐH “không có điểm nào nói tự chủ là cắt hoàn toàn sự hỗ trợ của Nhà nước, không phải giao tự chủ là Nhà nước sẽ bỏ rơi”, mà chỉ là thay đổi cách thức phân bổ ngân sách theo đơn đặt hàng. Do đó, các trường sẽ phải tự khẳng định mình để xây dựng thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Tuy nhiên, TS Việt cũng nhấn mạnh đến ba thách thức lớn mà các trường phải đối mặt sau khi luật được thông qua để nhận được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Trước hết, các trường phải đổi mới năng lực quản trị để tận dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực về đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính. Đồng thời, các trường phải xây dựng cơ chế nội bộ, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức để vận hành cho hiệu quả.

Bên cạnh đó, bản thân các trường phải tăng cường trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, cơ quan quản lý và người học. “Tự chủ không có nghĩa là các trường muốn làm gì thì làm. Tự chủ nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật, các trường phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Bản chất của việc tăng học phí của một số trường ĐH là để thực hiện cơ chế tự chủ. Theo Nghị định số 86 năm 2015, các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường. Mới nhất, theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định hướng dẫn, có hiệu lực từ tháng 7-2019, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Các trường tự chủ tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, tăng học phí chỉ là một phần trong quá trình tự chủ về tài chính, đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình, chứ không đồng nghĩa với việc muốn tăng học phí sao cũng được, hay muốn thu làm sao cũng xong. Cùng với đó, tăng học phí không bao giờ là hết các vấn đề của tự chủ tài chính trong GDĐH.

ky 1 khi tu chu khong con la van de rieng ve tai chinh
Các trường ĐH đang ngày một mở rộng hơn các quyền tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH 2019. Ảnh: VNU

Tự chủ đang được hiểu và thực hiện đầy đủ hơn

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản… Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường ĐH phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng ĐH; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỉ lệ sinh viên có việc làm; Công khai mức học phí; Không được phép tuyển sinh nếu chưa được kiểm định chất lượng…

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ về: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.

Thực tế là hiện nay, các cơ sở GDĐH đang thực hiện mở rộng hơn về tự chủ. Ví dụ ĐHQG Hà Nội đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao trong các lĩnh vực hoạt động của các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc.

Theo TS Hoàng Thị Xuân Hoa: Các đơn vị trực thuộc ĐHQG Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của ĐHQG Hà Nội, kết hợp chặt chẽ đào tạo và NCKH, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực, sử dụng chung đội ngũ cán bộ khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, lý luận chính trị, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất...) và cơ sở vật chất - kỹ thuật…

Tự chủ về ĐH cũng cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, trong đó đi kèm với trách nhiệm giải trình Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từ năm 2018, các trường ĐH trên cả nước đã phải tuân thủ quy định công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm quyền tự chủ ĐH (theo tinh thần Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24-10-2014) đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, trong đó có sự chưa thống nhất trong quan niệm. Về phía cơ quan Nhà nước, tự chủ ĐH hiện được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức - nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ cũng như các điều kiện khác. Như vậy, để chủ trương đúng phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo, cần sự vào cuộc tích cực của cả các trường và cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ, xử lý kịp thời vướng mắc.

(Còn nữa)

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động