Thứ hai 20/05/2024 17:39

Khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường vùng ngập úng tại Chương Mỹ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi kiểm tra công tác đảm bảo y tế phòng chống ngập, úng tại huyện Chương Mỹ, Tiến sỹ Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết…

Ngày 23-7, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Tiến sỹ Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác đảm bảo y tế phòng chống ngập, úng tại huyện Chương Mỹ.

Ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 có mưa to, kết hợp với xả lũ thủy điện sông Đà nên một số cụm dân cư vùng thấp, trũng ở 11 xã bị ngập, úng với 2.156 hộ gia đình bị ngập úng hoàn toàn (tính đến ngày 23-7); trong đó có xã Nam Phương Tiến và xã Tân Tiến bị ngập, úng nặng.

Để đáp ứng công tác y tế, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ và trạm y tế các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án đối phó với thiên tai và thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Trung tâm Y tế huyện đã chủ động các phương án ứng phó trong và sau lũ, đảm bảo an toàn cho bà con; đã cấp cho 11 xã có các gia đình bị ngập úng nặng các hóa chất để xử lý nước ăn gồm 250 gói CloraminB tương đương 25kg; 240 gói phèn chua tương đương 24kg, ông Dương Viết Tài cho biết.

Đối với xã Nam Phương Tiến, Trung tâm Y tế phối hợp với Trạm Y tế xã thành lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ; tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, không để dịch bệnh xảy ra...

Qua kiểm tra thực tế, Tiến sỹ Trần Văn Chung đánh giá cao Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ và trạm y tế các xã đã chủ động lên phương án phòng chống ngập, úng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như: Các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước...

Tuyên truyền các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết; cử cán bộ bám sát các xã cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp sau mưa, lũ bùng dễ bùng phát.

Đối với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, Phó giám đốc Trần Văn Chung yêu cầu khẩn trương rà soát lại cơ số thuốc, trang thiết bị và đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng trực khi có yêu cầu. Tổ chức tốt công tác trực cấp cứu 24/24 giờ, khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân và nhân viên y tế...

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng có công văn đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai một số biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

khu khuan nguon nuoc ve sinh moi truong vung ngap ung tai chuong my

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung yêu cầu khẩn trương rà soát lại cơ số thuốc, trang thiết bị và đội cấp cứu cơ động (ảnh Đ.V)

Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra các nhiệm vụ trong từng tình huống cụ thể, trước/trong và sau lũ. Theo đó, trước khi có lũ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

Đồng thời, theo dõi sát các dự báo, diễn biến tình hình bão lũ trên địa bàn. Các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Khi bão, lũ xảy ra cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín.

Sau khi bão, lũ rút hướng dẫn người dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh đường tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động