Không thể xử lý hình sự nhóm học sinh lớp 8 tác động vào vùng kín của bạn học?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh nhóm học sinh lớp 8 bạo hành bạn học tại Trường THCS Hào Nam xảy ra ngày 8/11. Ảnh: cắt từ clip |
Sự việc đang được điều tra
Mạng xã hội vừa chia sẻ clip nam sinh lớp 8 bị bạo hành vào vùng kín tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thời lượng của đoạn clip chỉ quay lại khoảng 16 giây nhưng ngay lập tức gây bức xúc dư luận. Theo nội dung clip, có 5 học sinh cầm tay, kéo hai chân của nam sinh khiến phần “nhạy cảm” của em đập vào cột cờ. Mặc dù nam sinh đã cố gắng chống trả nhưng nhóm bạn liên tục có hành động bạo hành vào vùng kín.
Cùng clip đó, nhiều bạn học sinh bên cạnh thay vì can ngăn thì lại đứng cạnh reo hò, cổ vũ. Sự việc trên được cho là xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ bởi hành động bạo hành nguy hiểm với bạn học của nhóm học sinh, có thể gây những hậu quả khó lường.
Liên quan đến sự việc trên, chiều 28/11, ông Đoàn Vũ Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nam cho biết, sự việc xảy ra ngày 8/11 nhưng tới ngày 24/11 trường mới phát hiện. Trường THCS Hòa Nam xác định có 6 học sinh liên quan, gồm 5 em trực tiếp có hành vi không hay với bạn và một em đứng quay clip. Nạn nhân và 6 em này đều là học sinh khối 8. Xác định sự việc nghiêm trọng, Trường THCS Hòa Nam đã báo Công an địa phương, phối hợp điều tra.
Kỷ luật học sinh như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi bạo lực học đường là hành vi gây thương tích có chủ đích với người khác, hành vi này gây tổn thương về mặt thể chất và tinh thần của nạn nhân, từ đó, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách sau này của nạn nhân. Người thực hiện hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi bạo lực học đường.
Tuy nhiên, nhóm học sinh có hành vi trên đều là các em học sinh lớp 8. Căn cứ theo Điều 12, BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội do mình gây ra.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và Điều 91, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020, người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm thì có thể áp dụng biện pháp giáo dục sau: áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại BLHS.
Đối với các em ở độ tuổi này mà thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác nhưng chưa thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo mô tả, liệt kê của điều luật, trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Bởi vậy, trong vụ việc này nếu thương tích của em học sinh là thương tích nhỏ, chưa đến mức độ nghiêm trọng, cơ quan công an sẽ không thụ lý xem xét mà thuộc thẩm quyền giải quyết của nhà trường theo quy định về kỷ luật học sinh.
Luật sư Nguyên cho biết, theo quy định của pháp luật, học sinh, sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau, tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau.
Hiện nay, vấn đề kỷ luật học sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Điều lệ trường THCS và THPT. Cụ thể, Điều 37, Thông tư 32 quy định, các hành vi học sinh không được làm bao gồm: mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng…
Trong khi đó, khoản 2, Điều 38, Thông tư 32 quy định: học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên và căn cứ vào nội quy quy chế cụ thể của cơ sở giáo dục, nhà trường sẽ tiến hành xem xét làm rõ sự việc, nếu phát hiện ra có hành vi vi phạm kỷ luật sẽ tiến hành xử lý kỷ luật theo như phân tích ở trên.
Luật sư Nguyên cho rằng, việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích giáo dục và cải tạo, tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng kỷ luật học sinh để kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em.
Phẫn nộ nhóm học sinh lớp 8 tác động vào vùng kín của bạn | |
Dấu hiệu nào cho thấy con bạn đang bị bạo lực học đường? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại