Không cần ôn luyện tại bất kỳ trung tâm nào để thi đánh giá năng lực
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm 2021, ĐHQGHN tổ chức kỳ thi ĐGNL học sinh Trung học phổ thông (THPT) với nhiều cải tiến mới: Bài thi ĐGNL học sinh THPT tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như năm 2015, 2016. Cấu trúc, bài thi ĐGNL gồm 3 hợp phần:
Phần 1: Tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút;
Phần 2: Tư duy định tính có 50 câu hỏi, 60 phút;
Phần 3: Khoa học (thuộc lĩnh vực KHTN, CN và KHXH) gồm 50 câu hỏi, 60 phút. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính, với tổng thời gian là 195 phút, tổng điểm bài thi là 150 điểm.
Thí sinh không cần luyện thi ở bất cứ trung tâm nào để thi bài thi ĐGNL (Ảnh: VNU) |
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Thí sinh tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ trung tâm ôn thi nào. Thay vào đó, cần dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng làm bài trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và/hoặc kỳ thi ĐGNL do Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; thí sinh có thể tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi ĐGNL (dự kiến sẽ được công bố trước ngày 15-3-2021).
Quy mô năm nay, dự kiến khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi và được tổ chức trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 4-5 đợt/năm. Thời gian đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1-4-2021 (áp dụng cho đợt thi đầu tiên - tổ chức vào tháng 5-2021).
Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi và tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi bằng tài khoản được cấp tại Cổng thông tin Khảo thí ĐHQGHN tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn.
Việc tổ chức làm nhiều đợt thi trước tiên là tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, thí sinh có thể chủ động hoàn toàn kế hoạch dự thi của mình sao cho thuận lợi nhất. Tiếp nữa, việc thi làm nhiều đợt sẽ tạo tâm lý thoải mái và giảm bớt áp lực cho thí sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, với các trường tổ chức kỳ thi riêng cần tuân thủ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Thi cũng phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi; điều kiện tổ chức công khai và có sự giám sát.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Chúng ta sẽ tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần từng bước. Còn hình thức phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích".
ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. HCM đã có kinh nghiệm tổ chức thi ĐGNL với ngân hàng đề thi được xây dựng theo chuẩn. ĐH Bách Khoa cũng tổ chức bài thi tư duy môn Toán năm 2020 gần chục nghìn thí sinh tham gia.
Cách thi riêng là một trong những phương thức tuyển sinh song song với các phương thức khác như dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, hay xét học bạ, xét tuyển thẳng, kết hợp các hình thức. Đây là giải pháp vừa đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, vừa chủ động nguồn tuyển.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại