Thứ ba 30/04/2024 11:09

Khơi thông động lực tăng trưởng mới: tư duy, nhận thức và hành động từ doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Khơi thông động lực tăng trưởng mới: tư duy, nhận thức và hành động từ doanh nghiệp
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: NS

Kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/ 2023 của Chính Phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay, Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2024 được tổ chức được ông Hoàng Quang Phòng nhận định là đã đi thẳng vào vấn đề đúng và trúng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, dựa vào các số liệu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với những năm gần đây.

Theo ông Tú Anh, có hai yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tổng cung và tổng cầu. Xét về tổng cầu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu bắt đầu có tăng trưởng dương (hàng tháng so với cùng kỳ) bắt đầu từ tháng 9/2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu đã tăng 17% so với cùng kỳ được hỗ trợ bởi chính mặt hàng công nghiệp. Trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng hơn 26,2% vượt xa tốc độ tăng của doanh nghiệp FDI là 13,9%. Đà xuất siêu vẫn được tiếp tục, quý I xuất siêu hơn 8 tỷ USD. Dự kiến năm 2024 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 11%-12%.

Ông Tú Anh cho rằng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những điểm khó khăn. Cụ thể, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc. Vị chuyên gia lưu ý, cả hai yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng của nền kinh tế và cần tập trung để khơi thông trong thời gian tới.

TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các-bon, ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam. Giải ngân tín dụng còn tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng.

Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.

Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.

5 khó khăn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt

Khơi thông động lực tăng trưởng mới: tư duy, nhận thức và hành động từ doanh nghiệp
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới. Ảnh: NS

Ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết thực tế, trong năm vừa qua Quốc hội vừa thông qua 3 đạo Luật quan trọng bao gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng cũng thể hiện mạnh mẽ tinh thần cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính.

Cụ thể, trong Luật Đất đai vừa được ban hành có nhiều quy định đáng chú ý như: sửa đổi, bổ sung một số quy định tạo điều kiện công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tăng thêm quyền tiếp cận đất đai, thống nhất liên thông với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,…cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 lúa trong hạn mức cho phép, trường hợp quá hạn mức thì phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt… xây dựng được hệ thống quy hoạch sử dụng đất đồng bộ ở cả 3 cấp, song vẫn đảm bảo đồng bộ về quy hoạch,…

Hay như Luật Kinh doanh bất động sản làm rõ phạm vi điều chỉnh không chồng chéo với các bộ luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự,… bên cạnh đó, bổ sung các quy định để đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có đầy đủ các năng lực để thực hiện dự án, bổ sung hoàn thiện các quy định về công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản, thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, bổ sung hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản,…

Luật Các tổ chức tín dụng, đã sửa đổi bổ sung các quy định về tăng cường quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng theo thông lệ tốt nhất của quốc tế về quản trị các tổ chức tín dụng; tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị của các ngân hàng và ban kiểm soát; bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh các yêu cầu về quản trị điều hành; bổ sung thêm một chương nữa về ngân hàng chính sách;…

“Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng cũng rất đẩy mạnh về hoạt động chuyển đổi số, ví dụ như Luật Đất đai đã có thêm những quy định để số hóa công tác quản lý đất đai, việc này được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt thời gian qua. Trong Luật Các Tổ chức tín dụng cũng vậy, cũng có một số quy định để thúc đẩy phát triển của ngân hàng số, ngân hàng điện tử và đây là một trọng tâm để phát triển kinh tế số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Hải Nam cho biết.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với 5 khó khăn, bao gồm thiếu đơn hàng: 52%; thiếu tiếp cận vốn: 32%, thủ tục hành chính còn rườm rà: 25%; Lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế: 9%; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ: 41%.

Do đó, ông Quốc Anh cho rằng, cần tập trung khơi thông các điểm thiếu sót nêu trên. Cụ thể, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.

Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà; có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân; Khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ban hành năm 2018, tuy nhiên các tỉnh thành chưa thực thi một cách hiệu quả. Mặc dù Hà Nội và một số tỉnh thành trực thuộc Trung ương đã hành động nhanh chóng để thực thi Luật này, nhưng vẫn cần có sự vào cuộc của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước để doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, ông Quốc Anh đề xuất, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn, các “sếu đầu đàn” hùng mạnh để có thể tăng cường sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu; từ đó tạo bệ đỡ hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chơi toàn cầu.

Ông Quốc Anh cũng cho rằng, VCCI cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các Hiệp hội Doanh nghiệp trong nước, liên kết giữa các hội viên các hiệp hội hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng trong nước mạnh mẽ.

Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động