Thứ hai 20/05/2024 15:40

Khi tà áo dài cách tân... quá đà

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Áo dài Việt Nam từ xưa đến nay là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đằm thắm, dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần duyên dáng. Áo dài đi vào các tác phẩm nghệ thuật như thơ, ca, điện ảnh, hội họa... và luôn để lại trong lòng công chúng những dư vị vô cùng ngọt ngào, sâu lắng. Tuy nhiên, hiện nay một số mẫu áo dài đang có xu hướng biến tướng không còn mang nét duyên của hồn Việt như bản chất vốn có của chiếc áo dài xưa.

Áo dài cách tân quá… “lố”

Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường đã có một bài hát rất hay nói về người con gái Việt: “...Em đẹp không cần son phấn. Xinh thật xinh! Áo dài!”. Chỉ cần nghe câu hát đó thôi cũng cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì mình là người con gái Việt, đã từng được khoác lên mình bộ áo dài truyền thống tung tăng đến trường, thướt tha trên phố hay sải bước trên thảm đỏ, bởi đơn giản, áo dài mang đậm cốt cách Việt Nam. Và trong cuộc thi Hoa hậu 1996, cô gái Nguyễn Thiên Nga đã khiến người hâm mộ không chỉ nhớ đến bởi nhan sắc rực rỡ mà còn ấn tượng với câu trả lời ứng xử hay bậc nhất của các hoa hậu, liên quan đến tà áo dài. Khi được hỏi: "Vì sao trong trào lưu rất nhiều loại mốt mới hiện nay, chiếc áo dài dân tộc Việt Nam vẫn được nhiều người ưa thích?", cô sinh viên trường ĐH Ngoại thương TP HCM khi đó đã trả lời: "Vì áo dài thực sự là trang phục phù hợp với phụ nữ Việt Nam, giúp họ trở nên duyên dáng, đáng yêu hơn. Và điều quan trọng nhất là mỗi khi thoáng thấy áo dài bay trên đường phố sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó".

Tuy nhiên hiện nay, khi nền văn hóa có sự giao thoa với nước ngoài thì áo dài đang bị “biến tướng” quá đà, một số thiết kế trở nên phản cảm và quan trọng, nó không còn mang nét duyên của hồn Việt, cốt cách Việt.

Nếu như điểm danh các sao trẻ đã từng mặc áo dài cách tân thì phải có đến phân nửa là bị dư luận chê bai, phản đối dữ dội vì trang phục áo dài quá “lố”. “Lố” từ độ dài, độ hở, độ mỏng, độ trễ và... độ “lì lợm” của sao khi vận lên người những trang phục như vậy.

Thời trang của Lý Nhã Kỳ được đánh dấu bằng những bộ trang phục màu mè và có phần kệch cỡm. Một trong số những trang phục bị “ném đá” nhiều nhất là chiếc áo dài cách tân màu đỏ, mỏng tang, được nhận xét là quá “gợi cảm”. Nhiều người khắt khe còn cho rằng Lý Nhã Kỳ đang muốn khoe thân hình quyến rũ trong tà áo phản cảm ấy. Một gương mặt cũng đã từng nhận nhiều lời phê phán về phong cách thời trang chính là bà mẹ một con Hiền Thục. Nhiều ý kiến cho rằng đó là một bộ trang phục không thể chấp nhận được khi Hiền Thục mặc áo dài diêm dúa kết hợp quần ngắn cũn cỡn. Hay như ca sĩ có phong cách ăn mặc “quái” như Mai Khôi cũng đã khiến dư luận dậy sóng khi “bóp méo” hình ảnh áo dài một cách thái quá. Cô mặc áo dài mỏng và dùng dây lưng xoắn tà trước của áo dài tạo thành một búi lủng lẳng phía trước. Và mới đây là hình ảnh Hoa hậu Thùy Dung trình diễn trang phục áo dài ở kinh đô thời trang nước Ý cũng gây xôn xao dư luận với tà áo dài na ná “váy quây” và còn bị cho là giống Trung Quốc. Trong buổi biểu diễn hôm 24-6, Hoa hậu Thùy Dung được nhà thiết kế Thủy Nguyễn mời làm vedette tại show thời trang Xuân - Hè ở Mercati Di Traiano, Rome, Italy. Cô mặc bộ áo dài gấm đỏ cách điệu kiểu áo ống, vai trần xẻ tà và quần lửng. Bộ áo in hoa văn rồng, kết hợp với nón lá bọc gấm in hoa văn đồng điệu. Đây cũng là trang phục nổi bật nhất trong buổi trình diễn. Bộ sưu tập của Thủy Nguyễn được giới thiệu với mục đích mang đến không khí đậm chất Việt Nam, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phá cách.

Tuy nhiên, “người đàn bà của gấm” Thủy Nguyễn đã không ngờ rằng những con mắt tinh tế của công chúng đã xăm soi khá kỹ và một nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa đã đưa ra nhận định trang phục áo dài Thùy Dung mặc mang chất liệu và hoa văn Trung Quốc. Hơn nữa, sự cách điệu dường như quá trớn, để hở toàn bộ phần vai, chỉ giữ lại duy nhất mô thức xẻ vạt của áo dài, cũng là mô thức chung của các loại áo truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam, khiến những người ít kiến thức về thời trang truyền thống khó phân biệt đây là một sản phẩm đậm chất Việt Nam hay mang màu sắc Trung Quốc nhiều hơn. Dấu ấn Việt Nam vì thế mà hoàn toàn mờ nhạt.

Khi nhiều người đang mong mỏi được “mẹ đẻ” của thiết kế này lên tiếng giải thích về đứa con tinh thần của mình thì dư luận lại bất ngờ vì phản ứng không được đẹp lắm của nhà thiết kế Thủy Nguyễn trước sự việc này là “xin phép” không trả lời và không có ý kiến gì thêm vì mọi người đều có ý kiến riêng của mình. Tất nhiên trước cái đẹp, ai cũng có cách nhìn và ý kiến riêng, nhưng cái đẹp ấy sẽ lung linh, ý nghĩa và đạt đến đích của cái đẹp hơn khi nó được hiểu theo đúng ý, đúng thông điệp của tác giả.

Thùy Dung trình diễn áo dài tại Ý. Ảnh: TL

Tại... ai, vì... ai?

Có thể nói, áo dài Việt Nam là một nét văn hóa đơn nhất mà chỉ ở Việt Nam mới có, và những phụ nữ Việt mới là người mặc đẹp nhất. Thế nhưng sự đơn nhất ấy đang dần bị Tây hóa về cả thiết kế và cách hành xử của người mặc. Đáng thương thay cho chiếc áo dài Việt bị biến tướng đến mức khó nhận ra, khiến nhiều người lầm tưởng đó là một thiết kế váy vóc hiện đại chứ không phải là trang phục truyền thống của cả một dân tộc.

Sự sáng tạo là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của thời trang, bởi sự sáng tạo sẽ tạo ra cái mới mẻ, hấp dẫn và đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng cũng như quan điểm về cái đẹp của con người trong từng mốc thời gian. Dẫu biết cách tân là làm mới, là tạo ra cá tính nhưng không có nghĩa là biến tấu chúng một cách thái quá đến nỗi chính những người Việt cũng khó lòng nhận ra, khó lòng chấp nhận những cái mới ấy.

Những tà áo dài “lố” thể hiện sự “cẩu thả” về sáng tạo của một bộ phận người mặc cũng như nhà thiết kế, bởi sự cẩn thận, tỉ mẩn trong sáng tạo nghệ thuật chính là sự chăm chút kỹ lưỡng, phát huy những tinh hoa truyền thống cộng với những nét mới mang tính thời đại. Áo dài Việt Nam dù cách tân đến mấy cũng phải giữ được những nét kín đáo, duyên dáng chứ không phải táo bạo, hở hang rồi trở thành trò hề trong mắt người khác, nhất là khi mang đi trình diễn ở nước ngoài. Sự cẩu thả còn được thể hiện ở việc những nhà thiết kế không chịu tìm tòi kỹ lưỡng về văn hóa thời trang của Việt Nam và nước bạn, dù vô tình cũng khiến người xem khó phân biệt được nguồn gốc xuất xứ cũng như tinh thần của sản phẩm. Vì vậy mà những giá trị nghệ thuật cũng như tinh thần dễ bị lu mờ, khó nhận ra.

Với thiết kế bị cho là giống Trung Quốc, nhà thiết kế Thủy Nguyễn hoàn toàn có thể bênh vực sản phẩm nghệ thuật của mình. Vì dù sao, nó cũng là sản phẩm dựa trên trang phục truyền thống, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam và hơn nữa, việc lên tiếng của tác giả còn thể hiện sự trách nhiệm với sáng tạo của mình. Sản phẩm nghệ thuật là sản phẩm hướng tới cái đẹp, nếu muốn được đón nhận, ủng hộ từ công chúng trước tiên cần sự “trân trọng” của những người sáng tạo đối với sản phẩm của mình. Trang phục áo dài không chỉ giúp phụ nữ Việt đẹp hơn về hình thức mà còn thể hiện vẻ đẹp về tinh thần tự tôn dân tộc, cốt cách và tâm hồn người Việt. Sự cẩu thả về sáng tạo không chỉ cho sản sinh ra những đứa con “rơi” không được đón nhận mà còn là sự “bất kính” với văn hóa truyền thống. Những nghệ sĩ khi chọn áo dài cách tân nên chú ý đến sự “phù hợp”, bởi đẹp còn đồng nghĩa với “phù hợp” với văn hóa và con người Việt Nam.

Hồng Giang

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động