Khi lòng tốt nở hoa...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên10 năm làm báo, 10 năm gắn bó với ngôi nhà PL&XH, tôi may mắn được gặp gỡ, được viết về rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt quanh mình…
Trong lĩnh vực tư pháp, tôi nhớ mọi người vẫn thường gọi cán bộ tư pháp hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn là “những người không bao giờ dám ốm”. Thực tế, khối lượng công việc hàng ngày của cán bộ tư pháp hộ tịch rất nhiều, thường xuyên phải giải quyết các yêu cầu về hộ tịch, chứng thực cho người dân như: Khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực giấy tờ, cải chính, trích lục, xác nhận tình trạng hôn nhân…. Ít người, nhiều việc nên nếu ốm nữa, việc bị dồn lại sẽ lỡ hẹn với người dân…
Những việc làm tốt của bác Nguyễn Văn Tâm đã lan tỏa đến những người sống quanh ông. Ảnh: T. Hải |
Các việc tư pháp hộ tịch, trong đó chiếm 70-80% là công việc tiếp dân hàng ngày, vì vậy cán bộ Tư pháp hộ tịch không chỉ đòi hỏi vững về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn luôn phải có sự nhạy cảm, chú ý đến thái độ tiếp dân. Chị Cao Thị Hoài, cán bộ tư pháp hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, những người đến làm thủ tục gồm đủ mọi thành phần trong xã hội và không phải ai cũng hiểu biết thấu đáo, đầy đủ về các quy định của pháp luật. Có người thậm chí còn mang cả những bức xúc, khó chịu trong cuộc sống đến gặp các chị và sẵn sàng gây sự nếu thấy không hài lòng. Như câu chuyện của một công dân đến làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm của người con (đã mất). Không được như ý, lại sẵn hơi men trong người, công dân đập bàn đập ghế, quát nạt cả cán bộ tư pháp.
Gặp trường hợp như vậy, nghĩ phường giao cho mình trách nhiệm phục vụ nhân dân, mọi hiểu biết, cố gắng cũng là để làm sao phục vụ nhân dân được tốt hơn - Chị lại kiên nhẫn, khéo léo, giải thích cặn kẽ cho công dân hiểu yêu cầu trên không thuộc thẩm quyền của phường rồi tận tình hướng dẫn công dân ra phòng công chứng làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, các hàng thừa kế đều được hưởng thừa kế của người đã mất. Dần dần công dân hiểu ra đã nghe theo hướng dẫn của chị. Quá trình làm việc, đoán biết tâm lý người dân thường “e ngại” khi đến làm việc tại các cơ quan Nhà nước nên trong công tác tiếp dân chị luôn có thái độ thân thiện, gần gũi, cởi mở. Sợ dân phải chờ lâu nên nhiều hôm để có kết quả trả cho người dân trong ngày, buổi trưa chị cùng đồng nghiệp lại phải nán lại muộn một chút để giải quyết cho công dân.
Không chỉ cố gắng hoàn thành tốt công việc hàng ngày, nhiều cán bộ tư pháp hộ tịch còn suy nghĩ, trăn trở đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công việc. Như anh Đỗ Văn Thành, cán bộ Tư pháp xã Phú Phương, huyện Ba Vì với sáng kiến “Trao thẩm quyền ký giấy tờ hộ tịch và chứng thực cho công chức tư pháp – hộ tịch”. Theo anh Thành, với sáng kiến này chẳng những rút ngắn thời gian chờ đợi, chi phí cho người dân mà còn giúp lãnh đạo địa phương có thêm thời gian chỉ đạo giải quyết các công việc chuyên môn khác… Những tấm gương cán bộ tư pháp hộ tịch như anh Đỗ Văn Thành, chị Cao Thị Hoài… đã và đang góp sức mình cho sự phát triển của nền tư pháp Thủ đô hôm nay và hơn hết là để xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân được tốt hơn.
Trong những người tốt đã từng được gặp, tôi cũng nhớ đến nhớ gương ông Nguyễn Văn Tâm (ở đội 4, thôn Tả Thanh Oai, Thanh Trì) với quán sửa xe đạp miễn phí cho các cháu học sinh nghèo. Hàng tháng, ông đều dành lại một ít tiền từ khoản lương mất sức hàng tháng của mình để mua thêm các phụ tùng phục vụ cho việc sửa xe như miếng vá, dầu luyn, dây phanh…
Tôi nhớ mãi câu trả lời của ông khi lũ trẻ nói với ông “ông là người tốt, là ông Tâm tử tế”. Ông bảo, “không riêng gì ông Tâm mà ai cũng có thể làm người tử tế, làm được những việc tốt. Các cháu biết hiếu thảo với ông bà, biết hòa đồng, giúp đỡ bạn bè, biết nghe lời cô giáo, đi học đầy đủ, đúng giờ, biết tuân thủ luật giao thông, khi đi ngoài đường không phóng nhanh vượt ẩu, không dàn hàng ngang… ấy chính là các cháu đang làm việc tốt”…
Tôi thích những việc làm tốt của ông đã lan tỏa đến những người sống quanh ông. Vợ của ông thì học cách bơm xe, lắp xích… để những khi ông không có ở nhà, bà vẫn có thể bơm xe giúp các cháu học sinh. Người hàng xóm buôn bán phế liệu cạnh nhà hễ thu mua được thứ đồ gì có thể dùng vào việc sửa xe từ cái săm, lốp cũ nhưng vẫn còn dùng được đến cái đinh, con ốc, bu lông, dây phanh, xích thì lại cất riêng ra cho ông….
Trong suốt buổi gặp, nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, “ông không phải là “ông Bụt giữa đời thường” như cách nhiều người vẫn thường ưu ái gọi. Ông chỉ là một ông lão bình thường với những công việc ngày thường rất đỗi bình thường”. Và bài viết của tôi về sau - cũng không phải là một câu chuyện cổ tích với những phép màu kỳ diệu. Tôi chỉ kể về việc làm rất đỗi giản dị của một ông lão hiền lành, chất phác nơi ngã tư có đường tàu chạy qua – nơi ngã tư được lũ trẻ thích thú đặt cho tên gọi là “ngã tư đồng hồ”… Nhưng việc làm giản dị ấy lây lan đến rất nhiều người và đã góp phần khiến cuộc sống tươi đẹp hơn.
Cuôc sống thường ngày với những khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách… việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, đội ngũ hòa giải viên cơ sở ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giữ gìn sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Hòa giải viên Nguyễn Thị Biên – Tổ trưởng tổ hòa giải Cầu Bươu 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông chia sẻ với tôi, bí quyết hòa giải thành công các vụ việc mâu thuẫn của bà chính là “mình có thực sự coi hạnh phúc của những người xung quanh như hạnh phúc của mình, có coi việc giải quyết vướng mắc cho họ cũng như giải quyết vướng mắc cho mình thì khi đó mới hết lòng hết sức để hòa giải”.
Bản thân bà nhiều năm qua cũng đã hết sức gần gũi, gắn bó với bà con trong khu phố. Chẳng cứ gì phải đợi đến lúc có mâu thuẫn, xích mích người ta mới nhớ đến bà mà bất kể công to việc nhỏ gì, từ viết các loại đơn từ, chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục khai sinh, đăng ký kết hôn, điền thông tin vào các tờ khai… hay có việc gì cần tư vấn, cần lời khuyên, nhiều người lại tin tưởng tìm đến bà. Việc nhỏ, việc to, việc nhà ai, việc của ai - làm được bà đều vui vẻ nhận lời, và nhiệt tình giúp đỡ, chẳng nề hà. Cảm tưởng như những hòa giải viên như bà đã thực sự trở thành “người nhà” của mọi nhà, vui cùng niềm vui, lo cùng nỗi lo với mọi người. Để rồi niềm vui chia ra, niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia ra, nỗi buồn vơi bớt đi. Để rồi mỗi một lần hòa giải kịp thời một chuyện mâu thuẫn, xích mích, khu phố lại một lần trở lại hiền hòa, bình yên.
Và còn rất, rất nhiều người nữa mà những câu chuyện, việc làm của họ đã lan tỏa, đã góp phần làm nên bức tranh về con người Hà Nội đẹp hơn, giàu yêu thương hơn. Để mỗi lần nhìn vào chúng ta lại cảm thấy ấm áp, tràn đầy niềm yêu tin với cuộc đời. Và với riêng tôi, mỗi lần có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc, được soi mình vào đó, được ngẫm nghĩ lại về bản thân mình, tôi lại tự dặn lòng mỗi ngày từng chút, từng chút một cố gắng, nỗ lực hoàn thiện mình hơn.
Lan tỏa những tấm gương người tốt - Nếp nghĩ, nếp làm của Báo Pháp luật & Xã hội Hơn 10 năm qua ở báo PL&XH, trong các cuộc họp cơ quan, việc phát hiện, viết về những tấm gương người tốt, việc tốt luôn được Ban biên tập nhắc nhở, dặn dò các PV của báo. “Đừng chỉ nhìn mỗi những việc chưa tốt, chưa đẹp, những người chưa tốt không thôi mà hãy để ý nhiều hơn những việc làm tốt, những tấm gương người tốt. Viết về cái tốt hay là cái chưa tốt cũng đều với mục đích hướng đến những điều tốt đẹp hơn”, nguyên Tổng biên tập Nguyễn Văn Bình nói. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại