Thứ hai 20/05/2024 16:16
Hoa hậu Việt Nam và những tranh cãi về phần thi áo tắm

Khi chiếc áo gánh quá nhiều trọng trách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi cuộc thi Hoa hậu Mỹ tuyên bố bỏ phần thi trang phục áo tắm (hay còn gọi là bikini), nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam đã “tính” đến sự thay đổi tương tự. Trước những ý kiến trái chiều về việc bỏ phần thi bikini, bà Phạm Kim Dung, Phó trưởng Ban tổ chức khẳng định, vẫn giữ phần thi này trong khuôn khổ cuộc thi năm 2018. 

Tại Mỹ, với việc thông báo không tổ chức phần thi áo tắm, Ban tổ chức Miss America được cho là đang cố gắng xác định lại vai trò của mình trong thời đại trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Phần thi trang phục áo tắm là một phần không thể thiếu của Miss America kể từ khi nó bắt đầu được tổ chức vào năm 1921 tại TP Atlantic.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của xã hội Mỹ, những người thuộc Ban tổ chức cho rằng: “Miss America cần phải hiện đại hóa để phù hợp với phụ nữ trẻ ngày nay. Họ khuyến nghị tập trung vào những thành tựu sự nghiệp của những người chiến thắng trong quá khứ và đề xuất rằng: Phần thi áo tắm có thể làm xao lãng khỏi thông điệp đưa ra”.

Còn tại Việt Nam, những ý kiến về việc nên bỏ phần thi bikini lại thiên về hướng phần thi này có thể nảy sinh những chuyện không phù hợp, những biến tướng lẩn khuất sau mỗi cuộc thi sắc đẹp giống như “gạ tình, thoải mái cởi ắt dễ dãi với ái dục, quấy rối”… Trước ý kiến nhiều chiều của dư luận, Cục Biểu diễn nghệ thuật cho biết, sẽ lấy ý kiến đóng góp việc có nên thay thế phần thi bikini thành trang phục thể thao hay không.

khi chiec ao ganh qua nhieu trong trach
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm nay vẫn giữ phần thi trang phục bikini giữa những ý kiến trái chiều Ảnh: BTC Hoa hậu Việt Nam 2016

Trong khi câu chuyện còn đang tiếp tục lấy ý kiến, đại diện Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2018 vẫn quyết định giữ nguyên phần thi này và cho rằng: Phần thi áo tắm là cần thiết để đánh giá nét đẹp hình thể của thí sinh. Trong tất cả các phần thi nhan sắc tại Việt Nam đều có song song hai phần thi áo dài và bikini. Áo dài đúng là tôn vinh đường nét của người phụ nữ, tuy nhiên nó không thể nào thay thế cho bikini được.

Cơ bản, chúng ta phải nhìn nhận nhiều vấn đề liên quan, đến việc có cần thiết phải thay đổi một phần thi hay không?

Thứ nhất: Ở Mỹ, chuyện bỏ bikini ở tầm khác, khi họ tôn vinh nữ quyền và tôn vinh thành tựu sự nghiệp của người đi thi. Và một điểm đáng lưu ý rằng, quyết định này không hẳn nhận được sự đồng thuận của tất cả công chúng Mỹ.

Thứ hai: Tôn trọng phụ nữ phải ở chỗ tôn trọng những trang phục mà họ mặc. Từng có một phong trào bảo vệ phụ nữ lên tiếng phản đối quan điểm cho rằng: Phụ nữ bị tấn công tình dục là do trang phục họ mặc. Siêu mẫu Võ Hoàng Yến cho rằng: Hoa hậu là cuộc thi để lựa chọn người đẹp, nên việc bỏ phần thi áo tắm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu chí và cách chọn người đăng quang.

Phần thi áo tắm từ xưa cho đến nay ở Việt Nam là căn cứ để ban giám khảo đo chính xác nhân trắc học, đánh giá được tính cân đối tỷ lệ cơ thể. Và hơn hết, hoa hậu là hình mẫu đẹp toàn diện về hình thể lẫn tri thức. Siêu mẫu cũng cho rằng, phần thi này không phải là nguyên nhân của gạ gẫm tình dục, không nên đánh đồng tất cả các trường hợp như vậy.

Thứ ba: Chúng ta có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, với tiêu chí và tiêu chuẩn riêng, trọng số đánh giá của các phần thi cũng riêng, nếu có thể áp dụng linh hoạt ở mỗi cuộc thi cho phù hợp, thì hợp lý hơn là máy móc áp dụng và “khoác” cho phần thi này những trọng trách to lớn hơn ý nghĩa thực của nó.

Trên thực tế, những lùm xùm không đáng có của nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước gần đây không đến từ phần thi áo tắm, đó lại là những tranh cãi về khâu tổ chức, tiêu chí xét chọn giải thưởng, sự cố thí sinh bị “tố” thẩm mỹ và nhiều nhất là những phần thi ứng xử “ấp úng trường kỳ, không đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả”.

Rõ ràng, chiếc áo, sẽ có ý nghĩa rộng hơn nếu như hoàn cảnh môi trường của cuộc thi ấy đang cần có những thay đổi, thực sự cần thay đổi. Nhưng nó cũng chỉ đơn thuần là chiếc áo trình diễn, nếu chúng ta không làm nghiêm trọng hóa và đánh đồng những mặt tiêu cực của các cuộc thi nhan sắc. Quan trọng nhất là, cuộc thi sắc đẹp phải uy tín và xứng tầm, chọn ra được người thật xứng đáng, để họ trở thành người truyền cảm hứng cho mọi cô gái, cố gắng vì ước mơ, vì công việc và tôn trọng vẻ đẹp của bản thân, như thế, chuyện giữ hay bỏ phần bikini sẽ không còn là mối bận tâm nữa.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động