Thứ bảy 09/11/2024 03:24

Khai man để được xét nghiệm Covid-19 sẽ bị xử phạt ở mức nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các trường hợp cố tình giấu diếm, khai báo y tế gian dối để trốn tránh việc cách ly. Thậm chí, có trường hợp không trở về từ vùng dịch nhưng lại khai man để được xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí.

Cố tình giấu diếm, khai báo quanh co, khai gian

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng văn bản báo cáo về trường hợp một công nhân thuộc Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã về nhà mẹ đẻ ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương nhưng sau đó trở lại làm việc bình thường mà không khai báo y tế.

Theo đó, nữ công nhân có tên P.T.S. (làm việc tại Hải Phòng) đã cùng chồng và 2 con đến nhà bố mẹ tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bằng xe ô tô cá nhân, đã tiếp xúc với bố mẹ và em gái (từ 10g đến 13g30 ngày 12-2). Ngày 17 và 18-2, chị S. đi làm việc tại công ty mà không báo cáo công ty và khai báo y tế theo quy định. Đến 9g15 ngày 19-2, chị S. đã ở nhà (tại Hải Phòng) và báo thông tin công ty không đi làm.

Khi nhận được thông tin trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã đề nghị UBND TP, Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế huyện An Dương và Trung tâm Y tế huyện An Dương kiểm tra, hướng dẫn việc cách ly y tế và giám sát đối với trường hợp chị P.T.S.

UBND TP Hải Phòng giao Chủ tịch UBND huyện An Dương xử phạt vi phạm hành chính đối với chị P.T.S. với mức cao nhất theo quy định. Trường hợp chị P.T.S. dương tính với Covid-19, yêu cầu UBND huyện An Dương chuyển hồ sơ cho CATP xử lý theo quy định.

Trước đó, UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản yêu cầu xử lý trường hợp giáo viên trường THPT Trần Nguyên Hãn khai báo y tế không đúng sự thật ở mức cao nhất theo quy định.

Tại Hà Nội, ngày 19-2, báo cáo trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: Trên địa bàn quận có tình trạng một số công dân không đi từ Hải Dương về Hà Nội nhưng muốn được xét nghiệm nên đã khai là có đi qua Hải Dương. Việc này đã được tổ dân phố đã phát hiện ra và cơ sở đã vận động công dân tự giác không đăng ký xét nghiệm nữa.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, đây là không trung thực, gian lận trong kê khai y tế. Người đi qua vùng dịch mà không khai báo hay người không qua vùng dịch mà khai là có qua thì đều là gian lận có chủ ý và phải xử phạt hành chính theo quy định. Một người cố tình khai đi về từ Hải Dương sẽ kéo theo 3,4 người trong nhà đi xét nghiệm thì kinh phí TP không đảm bảo được. Sau này TP sẽ kiểm tra kỹ, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Khai man để được xét nghiệm Covid-19 sẽ bị xử phạt ở mức nào?
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân trở về từ Hải Dương tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (ảnh TTYT)

Cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe

Liên quan đến những trường hợp giấu diếm, quanh co, cố tình khai báo y tế gian dối, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho biết, đối với các hành vi trên có thể áp dụng xử phạt theo các quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP như sau: Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm tại Điểm b Khoản 3 Điều 7: “Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”. Trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Theo bà Trần Thị Trang, nếu xác định được việc khai báo không đúng để nhằm trốn tránh cách ly y tế thì vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 11: trốn tránh việc áp dung biện pháp cách ly y tế khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Trường hợp gian dối nếu kết quả xét nghiệm dương tính và gây lây lan dịch bệnh thì sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng về hành vi Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 7 hoặc làm lây lan dịch bệnh nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

Các trường hợp khai báo không đầy đủ, quanh co, che giấu, dối trá khác mà không thuộc hai trường hợp trên sẽ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 14: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định này.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế khuyến nghị, để góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh thì bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, nếu phát hiện các hành vi vi phạm thì các cơ quan có thẩm quyền cần xử lý nghiêm, kịp thời và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe, nâng cao ý thức của người dân và hiệu quả phòng, chống dịch.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động