Thứ hai 06/05/2024 23:42

Kết thúc thi THPT quốc gia

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Kết thúc thi THPT quốc gia, vẫn còn rất nhiều những băn khoăn về đề thi được gửi đến Ban soạn thảo đề thi của Bộ GD&ĐT. Có nhiều ý kiến cho rằng, đề Ngữ văn với hai từ “thấu cảm” khá xa lạ với học sinh miền Trung, miền Nam, trong khi số khác lại băn khoăn về độ khó dễ của các mã đề thi trắc nghiệm liệu có tương đương nhau, có thiệt thòi cho thí sinh năm nay hay không khi nếu “chẳng may” gặp phải đề thi khó. Đại diện Ban soạn thảo đề thi THPT quốc gia năm nay đã trao đổi về vấn đề này.

So sánh khó dễ của cả mã đề qua một câu là khập khiễng, thiếu toàn diện

Ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Trưởng Ban soạn thảo đề thi của Bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay, Bộ GD&ĐT đã cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa theo công nghệ của Hoa Kì. Điều đặc biệt khác với những năm trước là, tất cả những câu hỏi, đề thi này được thử nghiệm với chính học sinh lớp 12, từ đó biết được câu hỏi có độ dễ khó như thế nào từ thực tiễn.

“Trong tháng 3 - 4, đặc biệt là tháng 5 khi học sinh kết thúc chương trình học, chúng tôi chọn mẫu thử nghiệm trên 50 trường, với khoảng 20 nghìn học sinh lớp 12 để tiếp tục công đoạn 2 là chuẩn hóa để cân bằng độ khó giữa các đề thi” - ông Sái Công Hồng chia sẻ.

Đối với các đề thi trắc nghiệm khách quan, theo ông Sái Công Hồng, có 24 mã đề khác nhau, được xuất phát từ 4 đề gốc. Một đề thi được phân làm 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; việc đảo để tạo ra các mã đề thi được thực hiện trong từng “khối” (đảo trong khối câu hỏi nhận biết, đảo trong khối câu hỏi thông hiểu…), chứ không đảo trộn các câu hỏi ở 4 cấp độ để đảm bảo độ đồng đều giữa các mã đề thi.

“Khi làm đề thi phải hướng tới mục đích công bằng, khách quan và nhẹ nhàng cho thí sinh. Với tiêu chí đó, chúng tôi cố gắng xây dựng các mã đề tương đương với nhau nhất. Còn nếu so sánh độ khó dễ giữa các đề, phải so sánh trên cơ sở toàn bộ đề thi. Chỉ khi phân tích điểm trung bình các mã đề thi này mới chứng minh được các đề này khó dễ so với nhau như thế nào?” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng trao đổi.

Như vậy, đề thi đã trải qua nhiều giai đoạn chuẩn khóa, cân bằng độ khó, nên việc so sánh chỉ một câu trong mã đề này với mã đề khác là chưa toàn diện.

Phần đọc hiểu trong đề Ngữ Văn là hoàn toàn chính xác

Đề thi môn Ngữ văn năm nay gây không ít tranh cãi. Có rất nhiều câu hỏi về tính chính xác của đề Văn, đặc biệt ở phần I (đọc – hiểu). Cụ thể ở câu 2 hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”. Một số ý kiến khác cho rằng, đề thi quốc gia phải có ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng; trong khi khái niệm "thấu cảm" có lẽ phù hợp đô thị phía Bắc, còn sẽ gây khó hiểu cho thí sinh những vùng khác…

Trao đổi về ý kiến “đề Văn chưa chính xác”, ông Sái Công Hồng cho biết đã làm việc với tổ ra đề Văn và tổ ra đề khẳng định đề thi Văn chính xác không có sai sót. Tuy nhiên, việc chọn ngữ liệu này ở đâu, vì sao chọn, thuộc về quy trình bí mật làm đề thi không thể trao đổi cụ thể được.

“Đề thi môn văn có 2 phần (I và II). Chúng ta ở đây chỉ bàn về phần I đọc hiểu. Mục đích của phần này là đọc hiểu. Còn đọc hiểu cái gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí ngữ liệu thế nào thì đã quy trình làm đề thi, ma trận đề thi chắc là tôi không nói được”, ông Hồng cho biết.

Về câu 2 của đề thi “Theo tác giả, thấu cảm là gì?” thì tổ ra đề Văn giải thích là yêu cầu là: Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi sau, nên lời dẫn hỏi theo tác giả tức là đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu. Câu hỏi thứ 2 là 1 thành tố trong 4 yêu cầu đó. Hoàn toàn không có gì không phù hợp với yêu cầu của đề.

2
Ban soạn thảo đề thi THPT quốc gia cho rằng đề thi năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng, không sai sót và độ khó dễ phải đến khi có điểm so sánh từng mã đề thi mới chính xác được Ảnh P.T



Đề Vật lý sai sót: “Đính chính thể hiện sự nghiêm túc”

Liên quan đến việc phải đính chính ở 7 mã đề Vật lý, ông Sái Công Hồng trả lời: “Ở Môn Vật lý, chúng tôi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi rồi rà soát đề chính thức và sau khi chuyển đề chính thức thì làm đề dự bị. Trong quá trình rà soát thì phát hiện có lỗi ký tự. Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo một số Sở đã bắt đầu in sao, bắt dừng đề Vật lý và cũng không vấn đề gì.

Tuy nhiên, lúc đó đã là ngày 13, 14-6, khi đó nhiều Sở đã bắt in sao đề. Và chúng tôi quyết định gắn đính chính, việc này cho thấy chúng tôi đã làm việc nghiêm túc. Đính chính không phải đọc mà gắn vào đề thi cho các em. Nó nằm ở phần cuối cùng của đề thi 36-39. Chúng tôi cũng ghi rõ đính chính là một phần của mã này, gửi đến tay của từng thí sinh chứ không phải đọc hay viết lên bảng”.

Bộ GD&ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ và nghiêm túc trong các khâu của quá trình ra đề.

Về các ý kiến trái chiều trong việc đề thi môn Vật lý có độ khó không đồng đều (đề này vào phần quang, đề kia vào phần điện hay phần cơ…) nên thí sinh thấy không công bằng, đó là do các em học chưa toàn diện, kiến thức chưa đồng đều. Ông Sái Công Hồng cho rằng, ở mỗi đề Vật lý, mục đích là đánh giá thí sinh toàn diện. Câu hỏi mã đề này có thể rơi vào đơn vị kiến thức phần quang, câu kia rơi vào đơn vị kiến thức phần cơ tuy nhiên các bước tư duy để làm đáp án đó là như nhau, đều cần 4 bước tư duy để giải đề. “Nếu thí sinh bảo là em học phần quang yếu hơn, phần cơ mạnh hơn… thì em sẽ không toàn diện. Yêu cầu của chúng ta là thí sinh phải học toàn diện chứ không phải học tủ vào phần nào”, ông Hồng nói.

Bộ sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia những năm tới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công đã khẳng định đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới”.

Phan Thủy / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động