IS và al-Qaeda đang hình thành liên kết quái vật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMèo mả gà đồng tìm nhau
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nổi lên như tổ chức thủ lĩnh của cuộc thánh chiến toàn cầu năm 2014, đã qua thời kỳ cực thịnh. Hiện tại, tổ chức này đang trong giai đoạn phòng thủ, đấu tranh cho sự sống còn của mình, không giống như những cuộc tấn công năm 2014 khi IS đang mở rộng lãnh thổ, gây sốc cho cộng đồng quốc tế bằng những đoạn video tàn bạo và dùng tiền để thu hút những người theo chủ nghĩa khủng bố nước ngoài lên tới con số hàng nghìn người.
IS đã vấp phải những tổn thất đáng kể về lãnh thổ ở Iraq và Syria, những hạn chế về vấn đề nhập cảnh đã giúp làm giảm số lượng các chiến binh nước ngoài, giảm tài chính và tăng tỷ lệ thương vong cho chiến binh thánh chiến. Hoạt động tuyên truyền truyền thông xã hội của nhóm khủng bố này thậm chí còn không bằng một nửa năm ngoái. Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng mạng lưới khủng bố al-Qaeda là thủ lĩnh và “nhà vô địch” của các cuộc thánh chiến toàn cầu cho đến năm 2014, nhưng nhóm này cũng đang ở trong tình trạng khó khăn tại Afghanistan và Pakistan.
Kể từ cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, al-Qaeda đã mất đi thủ lĩnh và "như rắn mất đầu." Tại khu vực Af-Pak, Afghanistan, chỉ còn 50-60 thành viên và các chiến binh của al-Qaeda còn hoạt động. Số còn lại hoặc là đã bị giết, hoặc bị bắt hay di chuyển đến Trung Đông. Al-Qaeda đã không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nào trong 7 năm qua. Nguy cơ từ nhóm khủng bố này đã được đánh giá là suy giảm trong các đánh giá nguy cơ hàng năm. Hiện tại, nhóm này phụ thuộc vào chi nhánh ở Yemen và al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) để có được nguồn tài trợ và nhờ các đồng minh Taliban tìm chỗ trú ẩn, bảo vệ và di chuyển.
Những sự kiện gần đây đã gây ra tranh cãi gay gắt về những tác động từ sự bùng nổ của IS và sự suy yếu của al-Qaeda. Quan trọng hơn là IS sẽ lựa chọn hướng đi nào: phân quyền hoạt động và trở thành một phong trào hệ tư tưởng tương tự chiến lược hậu 11-9 của al-Qaeda, hay tìm kiếm sự sáp nhập với al-Qaeda? Trong cuộc họp ngày 18-4, Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi đã tiết lộ rằng "các cuộc thảo luận và đối thoại" đã diễn ra giữa thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri.
Tuy nhiên, ông Allawi không nói chính xác mục đích của cuộc họp này là gì. Tương tự như vậy, vào ngày 26-4, trong một cuộc họp an ninh tại thủ đô Moscow, người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga Aleksandr Bortnikov đã chỉ ra rằng khi phải đối mặt với thất bại tại Iraq và Syria, IS và các nhóm thánh chiến khác đang đàm phán để phát triển một chiến lược mới trên quy mô toàn cầu. Ông Bortnikov khẳng định rằng cả hai nhóm đang phát triển các thành trì mới trải từ Afghanistan đến Yemen và đến châu Phi.
Hai thông tin trên cho thấy những thông điệp kêu gọi các nhóm thánh chiến thống nhất gần đây của Zawahiri là có mục đích rõ ràng: "Đoàn kết và lại gần hơn với những người anh em Hồi giáo và chúng ta sẽ không chỉ lớn mạnh ở Sham (Syria) mà còn trên toàn thế giới, vì đó là một cuộc thập tự chinh duy nhất chống lại những kẻ chống lại người Hồi giáo trên toàn thế giới." Lời tuyên bố qua ghi âm này của Zawahiri dường như là một lời nhắn gián tiếp tới IS để cùng sáp nhập chống lại kẻ thù chung.
Đây không phải là lần đầu tiên Zawahiri đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng điều khác biệt với các tuyên bố trước đây là cuộc họp được tổ chức ở Iraq với các đại diện của hai tổ chức chiến binh. Thật khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu sẽ như thế nào khi al- Qaeda và IS hợp nhất, và những gì hai nhóm khủng bố này có thể đạt được thông qua việc sáp nhập. Vào thời điểm này, khả năng hợp tác giữa hai nhóm khủng bố này lớn hơn khả năng đối đầu.
Sự giống nhau trong hệ tư tưởng giữa al- Qaeda và IS lớn hơn nhiều so với những khác biệt của hai nhóm. Ví dụ, cả al-Qaeda và IS đều tán thành những quan điểm cực đoan trên thế giới như họ đều là những người ủng hộ người Sunni và muốn tạo ra một Vương triều Sunni toàn cầu. Tương tự, cả hai nhóm đều muốn chiến đấu với phương Tây (kẻ thù xa) và chế độ Hồi giáo bỏ đạo (kẻ thù gần). Cả hai đều đăng ký tham gia thánh chiến toàn cầu và bác bỏ trật tự thế giới toàn cầu hiện có. Cả hai đều tin rằng một cuộc chiến đang diễn ra giữa Hồi giáo và phương Tây, và Hồi giáo đang bị đe dọa.
Ngăn "vòi bạch tuộc" của IS trên mạng
Những thất bại liên tiếp trên chiến trường của IS tại Iraq và Syria không chỉ khiến chúng phải thay đổi chiến thuật hoạt động, liên kết với các nhóm khác hoặc chuyển sang tiến hành các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” ở nước ngoài, mà còn khiến chúng tìm cách mở rộng hoạt động trong không gian mạng. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản.
Theo cơ quan an ninh châu Âu (Europol), IS đang nỗ lực phát triển hệ thống truyền thông xã hội của riêng mình để tránh các biện pháp kiểm duyệt đối với các hoạt động trao đổi thông tin và nội dung đăng tải của tổ chức này. Sự hiện diện ngày càng rộng trên mạng xã hội có thể giúp IS dễ dàng kích động các cuộc tấn công ở bên ngoài trong khi chúng đang dần bị thu hẹp ở địa bàn hoạt động chính là Iraq và Syria.
Theo hai nhà nghiên cứu Colin P.Clarke và Chad C.Serena, hiện đang làm việc cho viện nghiên cứu chính sách RAND, giới phân tích gần đây liên tục bày tỏ lo ngại về nguy cơ IS sẽ sử dụng công cụ được gọi là “tiền ảo” để phục vụ cho các cuộc tấn công trong tương lai. Trong bài viết trên National Interest, hai nhà nghiên cứu này cho rằng đây là loại công cụ có thể được chúng sử dụng làm vỏ bọc che giấu các giao dịch bất hợp pháp, đồng thời giúp chúng hỗ trợ các cuộc tấn công ở nước ngoài. IS là từng chứng tỏ rằng chúng là một tổ chức “rất sáng tạo” trong việc sử dụng không gian mạng và các kỹ thuật khéo léo để phục vụ các mục đích của mình.
Giáo sư Craig Whiteside, hiện làm việc tại trường Chiến tranh hải quân Mỹ, cho rằng việc giành lại các vùng đất bị IS chiếm đóng chỉ là giải pháp tạm thời, và thực tế là cách làm này sẽ càng khiến IS chuyển hướng sang các hoạt động khác. Nhiều chuyên gia về chống khủng bố cũng đồng tình với quan điểm này. Trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, nhà nghiên cứu Colin P.Clarke và Chad C.Serena cho rằng tổ chức này sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường sự hiện diện trong không gian mạng.
Một cuộc tấn công thành công trên đất Mỹ sẽ dẫn tới việc Washington có biện pháp đáp trả về mặt quân sự, và điều này sẽ càng khiến IS và những kẻ ủng hộ chúng trở nên phấn khích và điên cuồng hơn, với suy nghĩ cho rằng chúng là một tổ chức thánh chiến mạnh mẽ và quyền lực. Vụ khủng bố tại Manchester, Anh, vừa qua đã cho thấy IS đang vươn chân rết tới khắp mọi nơi và thể hiện khả năng của chúng trong việc kích động các vụ tấn công ở nước ngoài, kể cả ở phương Tây. Hơn thế nữa, IS cũng có thể sẽ lợi dụng các căng thẳng phe phái trong thế giới Hồi giáo để tô vẽ hình ảnh của mình như một lực lượng bảo vệ cho người Sunni, từ đó càng lôi kéo thêm sự ủng hộ của những cá nhân đang bất mãn với xã hội.
Việc IS tìm cách tăng cường hoạt động trong không gian mạng để bù đắp những bất lợi mà chúng đang gặp phải trên chiến trường cho thấy tổ chức này linh hoạt hơn hẳn các nhóm khủng bố khác trong lịch sử. Tuy nhiên, hoạt động trong không gian mạng cũng đi kèm với những nguy cơ rất lớn. Lấy ví dụ, năm ngoái, Bộ Chỉ huy mạng (Cybercom) của Mỹ đã lấy được mật khẩu các tài khoản điều hành của IS và hủy một số tài liệu tuyên truyền của tổ chức này cũng như ngăn các chuyên gia mạng xã hội của chúng sử dụng tài khoản phục vụ một chiến dịch có tên “Glowing Sympathy.”
Mặc dù IS nhận được rất nhiều lợi ích từ việc lên kế hoạch, kích động và hỗ trợ các hoạt động khủng bố qua mạng xã hội, song chúng đang ngày càng thu hút sự chú ý của giới an ninh Mỹ. Điều cần thiết hiện nay là giới chức phải tích cực đầu tư cả tiền bạc và chất xám vào cuộc chiến trên mặt trận mới này. Theo hai nhà nghiên cứu Colin P.Clarke và Chad C.Serena, IS càng dựa vào những hoạt động trong không gian mạng, chúng càng dễ để lộ sơ hở của mình, và chúng sẽ không dễ dàng “hoành hành” như cách đây một vài năm.
Hồng Phúc / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại