Huyện Thanh Trì: Chính quyền và nhân dân chung tay hồi sinh sông Tô Lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ trương đúng đắn
Trước đây, gần 10km sông Tô Lịch, đoạn chạy qua 6 xã của huyện Thanh Trì, Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề do các hộ dân ven bờ lấn chiếm, vứt rác bừa bãi, xả thẳng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra sông. Hàng chục năm nay, dòng sông Tô Lịch trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông bởi dòng nước đen kịt, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu.
Nhiều năm trước, sông Tô Lịch đoạn qua xã Vĩnh Quỳnh bị ô nhiễm nặng nề |
Bà Phạm Nguyên Nhung, Trưởng ban tổ chức Huyện uỷ Thanh Trì cho biết, Thanh Trì là huyện trũng nhất của Thủ đô, nước thải dồn về, đồng thời tập trung nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm mỗi trường cao không thể di dời. Nhiều năm liên tiếp, Thanh Trì không được công nhận là huyện nông thôn mới vì chỉ tiêu môi trường chưa đảm bảo. Chính vì vậy, Thanh Trì đã cố gắng vươn lên để tự cứu mình. Nhiều phương án, giải pháp đã được Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Trì đưa ra để cải tạo môi trường.
Nhiều hộ dân lấn chiếm hành lang khiến dòng sông ngày càng nhỏ hẹp... |
Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU ngày 22-4-2016 của Huyện uỷ Thanh Trì về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và Thông báo số 631/TB-UBND ngày 19-8-2016 của UBND huyện Thanh Trì về kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp bàn về công tác nạo vét tuyến sông Tô Lịch đoạn từ cống Ngân hàng đến cầu Ngọc Hồi. Chính quyền, nhân dân của tất cả các xã có dòng sông Tô Lịch chảy qua đều đồng lòng thực hiện.
Cây cối mọc um tùm, không có đường đi |
“Trước kia, người dân lấn chiếm đất để xây dựng nhà, làm vườn, đồng thời một lượng lớn rác thải, nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống sông đã khiến sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề. Hàng nghìn hộ dân hai bên bờ sông phải sống chung với mùi hôi thối. Khi huyện và xã có chủ trương nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch, nhân dân rất nhiệt tình ủng hộ. Đây là dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau khi được tuyên truyền vận động, phần lớn các hộ dân đều tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng, di chuyển tài sản trên đất lấn chiếm để thực hiện dự án. Thậm chí, nhiều gia đình còn hiến hàng chục m2 đất thổ cư để làm đường ven sông”, bà Phạm Nguyên Nhung chia sẻ.
Nhân dân tự nguyện hiến đất
Sau khi dự án nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch đoạn qua huyện Thanh Trì được hoàn thành, sông Tô Lịch đã được hồi sinh. Nguồn nước trong xanh trở lại, không còn mùi hôi thối như trước, người dân có thể đi dạo, ngồi chơi, câu cá… hai bên bờ sông. Đoạn sông này đã trở thành nơi cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho người dân trong huyện. Dọc hai tuyến đường ven sông được đầu tư xây dựng mới, khang trang, sạch đẹp đã được trồng hoa, cây cảnh khiến nhiều người dân thích thú.
Người dân tự nguyện tháo dỡ công trình kiên cố xây dưng trên đất công |
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, sông Tô Lịch đi qua hai thôn của xã là Quỳnh Đô và Ích Vịnh. Tháng 8-2016, sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của huyện, xã đã thành lập 2 tổ công tác đi khảo sát, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng. Dự án ảnh hưởng tới 184 hộ dân trong xã và 2 đơn vị, doanh nghiệp.
Dự án triển khai, con đường ven sông được hình thành |
Để dự án được sớm triển khai, 2 tổ công tác đã tuyên truyền vận động không kể ngày đêm tới từng hộ dân để họ tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng, tài sản, cây cối trên đất hành lang sông. Thậm chí, UBND xã Vĩnh Quỳnh còn mời tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng đến dự hội nghị, xem phóng sự về việc UBND huyện Thanh Trì nạo vét thí điểm một con sông trên địa bàn huyện. Thời điểm này, tất cả các hộ dân đều nhất trí với trình tự thực hiện dự án.
Người dân góp công, góp sức vì môi trường xanh, sạch, đẹp |
“Thấy đây chủ trương đúng đắn, tạo cảnh quan môi trường, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng và nhân dân trong xã đều ủng hộ để triển khai thực hiện. Đây không phải là dự án thu hồi đất, thấy lợi ích của dự án phục vụ cuộc sống thiết thực của người dân, nhiều hộ dân tự đục nhà, hiến đất thổ cư, góp công, góp sức để xây dựng 2 tuyến đường gom ven sông.
Thậm chí, một doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng tự nguyện tháo dỡ công trình, trả lại hơn 1.000m2 đất để xây dựng vườn hoa. Nước thải sinh hoạt cũng được chảy vào hệ thống thu gom và được xử lý trước khi xả ra sông. Dự án hoàn thành, người dân rất phấn khởi và ghi nhận sự cố gắng lỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh chia sẻ.
Sẽ truy thu thuế chuyển đổi mục đích đất?
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cũng vấp phải sự phản ứng, khiếu nại của ông Nguyễn Đình Hùng, ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh. Ông Hùng cho rằng, ban đầu gia đình ông luôn chấp hành. Song thực tế, gia đình ông Hùng nhận thấy UBND xã Vĩnh Quỳnh thực hiện chưa đúng với chủ trương nạo vét và làm đường gom 2 bên bờ sông. Ông Hùng cũng đề nghị điều chỉnh lại diện tích trong “sổ đỏ” cho đúng với thực tế.
Người dân mong mỏi điều này từ hàng chục năm trước |
Liên quan đến việc khiếu nại của ông Hùng, bà Hồng cho hay, quy trình thực hiện dự án được UBND xã thực hiện đầy đủ và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Đình Hùng. Khi tổ công tác đến đo đạc và lập biên bản xác định diện tích đất lấn chiếm hành lang sông Tô Lịch, ông Hùng đã ký vào biên bản xác định mốc giới. Ban đầu, ông Hùng ủng hộ, nhưng sau đó lại gây khó dễ cho tổ công tác. Mặc dù được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng gia đình ông Hùng không tự nguyện tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản để bàn giao mặt bằng cho dự án.
Về nguồn gốc đất, năm 1998, ông Hùng nhận chuyển nhượng 86m2. UBND xã xác nhận nội dung, phần đất lưu không đường liên xã và sông Tô Lịch khi nào Nhà nước lấy sử dụng đến đâu thì ông Hùng phải trả đến đấy. Năm 2006, ông Hùng kê khai và được cấp “sổ đỏ” với diện tích 86m2. Đáng chú ý, thửa đất gia đình ông Hùng đã được cấp “sổ đỏ” có nguồn gốc là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sang đất ở. UBND huyện Thanh Trì đang xem xét truy thu thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất của gia đình ông Hùng để tránh thất thu thuế của Nhà nước.
Đường gom hai bên bờ sông được xây dựng mới, khang trang, sạch đẹp |
Ông Hùng cho rằng, sau khi nhận chuyển nhượng đất, gia đình ông đã xây dựng nhà và công trình phụ trợ trên toàn bộ diện tích đất khoảng 107m2. Thời điểm xây dựng, UBND xã Vĩnh Quỳnh không có hồ sơ kiểm tra, xử lý vi phạm. Năm 2016, UBND xã Vĩnh Quỳnh xác định, gia đình ông Hùng sử dụng đất hành lang sông khoảng 20m2, trên có lán tạm móng gạch quây tôn xung quanh. Tổ công tác đã tháo dỡ công trình trên đất hành lang sông, ngoài “sổ đỏ” của gia đình ông Hùng.
UBND huyện Thanh Trì xác định, tổ công tác phá dỡ công trình xây dựng trên đất hành lang sông của gia đình ông Hùng để thông tuyến lấy đường cho máy móc vào thi công là cần thiết. Song, việc không lập hồ sơ xử lý công trình vi phạm theo quy định, UBND xã Vĩnh Quỳnh cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm.
Sông Tô Lịch được hồi sinh là kết quả của sự đồng lòng, hợp sức giữa chính quyền với nhân dân |
Ông Đỗ Văn Nghĩa, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Quỳnh Đô chia sẻ: “Nguyện vọng cải tạo sông Tô Lịch của nhân dân đã có từ hơn 30 năm trước đến tận bây giờ mới thực hiện được. Các bước thực hiện dự án đều rất chuẩn chỉnh. Toàn xã có 183 hộ dân đồng tình ủng hộ, không yêu cầu tiền bồi thường GPMB, chỉ có gia đình ông Hùng phản đối. Giấy tờ mua bán là 86m2, “sổ đỏ” cũng là 86m2, việc ông Hùng đòi 107m2 là không có cơ sở. Thực tế, ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Hùng vẫn lấn ra đất công hơn 2m2. Việc khiếu nại thiếu cơ sở của ông Hùng đã khiến các ban ngành mất rất nhiều thời gian”.
Thiết nghĩ, việc nạo vét, cải tạo sông Tô Lịch đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì là một dự án hợp ý Đảng, lòng dân, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân trong huyện về cải tạo môi trường, tạo cảnh quan đô thị, phục vụ cuộc sống thiết thực của người dân. Chính vì vậy, huyện Thanh Trì mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại