Huyện Gia Lâm: Tăng cường tuyên truyền pháp luật bằng hình thức trực tuyến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn kiểm tra của Hội đồng PBGDPL kiểm tra kết quả thực hiện Luật PBGDPL của huyện Gia Lâm. Ảnh: N.D |
Sáng 23/8, tại UBND Huyện Gia Lâm, Đoàn kiểm tra của Hội đồng PBGDPL TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện Luật PBGDPL của huyện Gia Lâm. Trong buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra do đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đoàn kiểm tra đã dành nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết cho việc thực hiện Luật PBGDPL cho UBND huyện Gia Lâm.
Đại diện huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết, hàng năm, UBND huyện ban hành đầy đủ các quyết định, kế hoạch và văn bản chỉ đạo về PBGDPL trên địa bàn huyện. Tính đến hết tháng 6/2022, UBND huyện đã ban hành 2 Quyết định, 77 kế hoạch và 124 văn bản triển khai tới các phòng, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, việc quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được thực hiện đầy đủ, kịp thời bằng nhiều hình thức linh hoạt đa dạng, qua đó, công tác PBGDPL ngày được các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, tập trung triển khai tổ chức thực hiện.
Khi phát sinh các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, UBND huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền chuyên sâu theo chuyên đề; cử lãnh đạo UBND huyện, trưởng các phòng, ban chuyên môn, các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ảnh của cá nhân, tổ chức, tuyên truyền giải thích các quy định của pháp luật qua đó định hướng, nắm bắt dư luận xã hội, tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận tại địa phương.
Trong 10 năm qua, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã, thị trấn luôn bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố, UBND huyện về công tác PBGDPL, lựa chọn các nội dung phù hợp với từng đối tượng để tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật liên quan đến các vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm.
Cũng theo ông Quang, sở dĩ đạt được những kết quả nêu trên một phần cũng do UBND huyện đã chú trọng đến các hình thức PBGDPL. Cụ thể, phổ biến pháp luật trực tiếp được các phòng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện thường xuyên. Từ năm 2013 đến hết tháng 6/2022 các phòng, ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của huyện đã phối hợp tổ chức 2.929 cuộc tuyên truyền trực tiếp, với 420.857 lượt người dự; các xã, thị trấn đã phối hợp tổ chức 3.946 cuộc tuyên truyền trực tiếp, với 452.064 lượt người dự.
Ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm. Ảnh: N.D |
Thường xuyên tuyên truyền trên Đài phát thanh của huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn; hàng tuần, duy trì Chương trình phát thanh “Giới thiệu pháp luật” vào Chủ nhật và phát lại vào ngày thứ 2; hàng ngày dành thời lượng 10 – 15 phút để tuyên truyền các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của TƯ, Thành phố và huyện trên đài phát thanh huyện.
Trong 10 năm, Đài phát thanh huyện đã xây dựng và phát 960 chương trình chuyên đề với 1.068 lượt văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật; xây dựng 3.600 chương trình phát thanh hàng ngày lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật với 14.420 lượt tin bài, tài liệu; duy trì phát 2 buổi/tuần chuyên mục “Phụ nữ Gia Lâm đảm đang, thanh lịch”. Đài truyền thanh 22 xã, thị trấn hàng ngày tiếp âm các đài 2 lần/ngày đồng thời phát các tin bài trên hệ thống, đã phát 5.722 chương trình với 43.662 lượt văn bản, tin bài về tuyên truyền, PBGDPL.
Tạo banner “Trang thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật” kết nối, khai thác trang Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật thành phố Hà Nội và xây dựng chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên cổng thông tin của huyện. Trong 10 năm đã đăng 935 văn bản, 1.120 tin bài trên Cổng thông tin điện tử của huyện; từ khi đưa vào sử dụng Trang thông tin xã, thị trấn đến nay đã đăng tải trên 300 tin bài PBGDPL. Xây dựng trang “Chính quyền điện tử huyện Gia Lâm” trên phần mềm ứng dụng Zalo; đăng tải tin bài trên các kênh youtube, facebook, fanpage… phát hành 721.195 tài liệu, hàng chục ngàn pano, băng rôn.
Trong 10 năm qua các ngành ban của huyện đã tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ tư pháp, UBND Thành phố và các ngành đoàn thể phát động, đồng thời chủ động tích cực tổ chức các cuộc thi cấp huyện, đã tổ chức, tham gia 35 cuộc thi với hàng chục ngàn lượt người dự. Đơn cử, cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2014, toàn huyện có 4.575 bài dự thi.
Tổ chức Đội tuyển tham dự Hội thi “Hòa giải viên giỏi” thành phố Hà Nội năm 2014, đạt giải Nhì chung khảo; Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ Luật Dân sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017: có 3.584 bài dự thi; Cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ Luật hình sự năm 2015” trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 40.234 bài dự thi; Cuộc thi “Tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 có 2.617 bài dự thi…
Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cũng được chú trọng thông qua công tác xét xử, hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở: Tòa án nhân dân huyện phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tổ chức xét xử lưu động 532 vụ (629 bị cáo); Các ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên phối hợp với Công ty luật, văn phòng tổ chức các cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, kết hợp trợ lý lưu động; Trong 10 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận và tổ chức hòa giải 4.091 vụ việc, hòa giải thành 3.506, đạt tỷ lệ 85,7%.
Lồng ghép việc PBGDPL trong các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật. Bên cạnh việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hình thức truyền thống có hiệu quả như tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị, tập huấn, tuyên truyền trực quan… thì việc tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến từ huyện đến cơ sở cũng là một hình thức mới có hiệu quả.
Ghi nhận việc thực hiện Luật PBGDPL trong thời gian qua, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết, Thành phố cũng đánh giá cao UBND huyện Gia Lâm có lượng đơn thư khiếu kiện, khiếu nại thấp nhất. Điều đó chứng tỏ công tác triển khai Luật PBGDPL của huyện đã thực sự có kết quả. Đồng thời mong UBND huyện Gia Lâm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục hoàn thiện trong công tác PBGDPL trên địa bàn. Đồng thời cần quan tâm đến công tác Tư pháp nói chung, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế những khiếu kiện, khiếu nại...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại