Hứa hẹn với thông gia, lừa... “chạy án”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo cáo trạng, giữa Phương và ông Trần Đình Hải (anh trai ông Trần Đình Hậu) có mối quan hệ thông gia với nhau. Từ mối quan hệ này, Phương biết và cũng thân thiết với ông Hậu.
Khoảng cuối tháng 2/2014, vợ ông Hậu bị cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Cùng thời gian này, Phương và thông gia tới nhà ông Hậu chơi, hỏi thăm tình hình.
Quá trình nói chuyện, Phương bảo có họ hàng bên vợ "làm chức to ở Chính phủ", quen biết nhiều người làm lãnh đạo Bộ Công an, có khả năng xin được cho vợ ông Hậu trắng án, phóng thích tại tòa. Ông Hậu tin tưởng nên đã nhờ Phương xin cho vợ ông được trắng án, trả tự do tại tòa, chi phí bao nhiêu thì báo lại cho ông biết. Nghe thông gia nói, ông Hải cũng bảo Phương: “Có chắc chắn thì làm, không chắc chắn thì thôi vì đây là em dâu tôi, ông không được chủ quan”. Phương nói chắc chắn làm được.
Vài ngày sau, Phương đưa một người đàn ông nói giọng miền Nam đến nhà ông Hải, ông Hậu chơi và giới thiệu người này tên là “Bảy”, sống tại Sài Gòn. Theo lời giới thiệu của Phương, ông “Bảy” nguyên là cán bộ cấp cao tại Chính phủ, có em trai tên “Mười”, hiện "làm chức to tại Văn phòng Chính phủ". Ông “Bảy” và ông “Mười” là người nhà bên vợ của Phương, quen biết nhiều người làm lãnh đạo Bộ Công an.
Khoảng 1 tuần sau, Phương nói với ông Hậu mình đã nhờ người xin được cho vợ ông được trắng án và phóng thích tại tòa, chi phí là 110.000 USD (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng). Nhận được tiền, Phương viết giấy nhận.
Đến cuối tháng 8/2014, Phương đến nhà ông Hậu hỏi vay 150 triệu đồng để đi “quan hệ”, xin số hàng hóa mà CQĐT đang thu giữ của vợ ông Hậu. Số tiền này sau đó Phương đã trả lại. Khoảng cuối tháng 10/2014, TAND TP Hà Nội đưa vợ ông Hậu ra xét xử. Hôm phiên tòa diễn ra, Phương cùng ông Hậu, ông Hải và một số người khác tới tham dự phiên tòa. Tại cổng tòa, Phương vẫn khẳng định với mọi người là lo được cho vợ ông Hậu trắng án, phóng thích tại tòa. Tuy nhiên sau đó, vợ ông Hậu vẫn bị tuyên 9 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Thấy Phương đã nhận tiền mà không lo được cho vợ mình, ông Hậu đã nhiều lần đến gặp, đòi lại tiền. Phương khất lần không trả. Do đó, trung tuần tháng 2/2019, ông Hậu có đơn tố giác Phương. Tại CQĐT, Phương không thừa nhận đã dẫn người khác tới nhà ông Hậu, ông Hải chơi và giới thiệu là ông “Bảy”, nguyên cán bộ cấp cao tại Văn phòng Chính phủ. Phương cũng không thừa nhận đã nhận số tiền hơn 2,4 tỷ đồng của ông Hậu.
Tuy nhiên, CQĐT xác định căn cứ lời khai của ông Hậu, ông Hải và một số người khác cùng tài liệu điều tra, đủ cơ sở kết luận Phương đã chiếm đoạt số tiền hơn 2,4 tỷ đồng của ông Hậu. Do đó, HĐXX của TAND TP Hà Nội tuyên phạt Phương 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhận tiền với lý do “chạy án” là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Tùy vào tính chất, mục đích của hành vi mà người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu người thực hiện hành vi chạy án không có chức vụ, quyền hạn thì người này có thể bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bởi, thực tế người này không có chức vụ, quyền hạn, không thể can thiệp và thực hiện được việc thay đổi tội danh, khung hình phạt,… có lợi cho người phạm tội nhưng vẫn nhận tiền hòng chiếm đoạt tài sản của người khác. Mức phạt cao nhất trong trường hợp này có thể là chung thân. Ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
“Nổ” quen biết rộng để lừa “chạy án treo” chiếm đoạt 250 triệu đồng | |
Người phụ nữ tin vào lời hứa chạy án của kẻ “vô công rồi nghề” | |
Không giảm án cho cựu cán bộ công an lừa... “chạy án” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại