Hơn 100 đoàn khảo cổ vẫn không tìm được mộ Đại hãn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững giả thiết về nơi chôn cất Đại hãn
Theo lịch sử ghi lại thì cái chết của Thành Cát Tư Hãn không rõ ràng. Hiện có nhiều sử liệu khác nhau ghi chép về cái chết của vị Đại hãn này. Nhà sử học Tống Liêm, thời nhà Minh, chỉ chép vỏn vẹn có 20 chữ về cái chết của Thành Cát Tư Hãn: “Thành Cát Tư Hãn bị ốm nặng, không chữa được nên đã qua đời vào mùa thu tháng 7 năm Nhâm Ngọ (tức 25-8-1227)”. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn bị bệnh gì, vì sao lại ốm chết thì chưa được xác định rõ. Sự mơ hồ trong sử liệu đã tạo ra những chỗ trống cho sự sáng tạo của các truyền thuyết dân gian.
Cho tới hiện tại, người ta vẫn lưu truyền ít nhất 4 phiên bản về cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị ngã ngựa rồi ốm chết. Theo giả thiết này, vào mùa đông, khi Thành Cát Tư Hãn cưỡi con ngựa hồng đi săn, vô tình gặp đàn ngựa rừng khiến con ngựa ông cưỡi trở nên hoảng sợ, lồng lên làm ông ngã ngựa, bị thương nặng. Sau đó vì không chữa trị tích cực nên ông qua đời. Giả thuyết thứ hai cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị hành thích (ám sát). Theo giả thuyết này, khi tấn công Tây Hạ, binh lính đã bắt được Vương phi Tây Hạ xinh đẹp, liền đưa về dâng lên Thành Cát Tư Hãn. Vương phi Tây Hạ vốn căm thù quân Nguyên Mông, nên trong đêm ân ái, nhân lúc Thành Cát Tư Hãn mỏi mệt đã dùng dao giết chết ông. Giả thuyết thứ ba lại cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị hạ độc. Một thương nhân người Italia có tên Marco Polo đã tới Trung Quốc làm ăn buôn bán vào năm 1275, thời Hốt Tất Liệt. Giả thuyết thứ tư cho rằng, Thành Cát Tư Hãn bị sét đánh chết.
Sự mơ hồ trong việc ghi chép về cái chết của Thành Cát Tư Hãn trong sử liệu chính thống cũng như quá nhiều các giả thuyết về cái chết của ông vua Mông Cổ được lưu truyền trong dân gian đã khiến việc xác định vị trí huyệt mộ của Thành Cát Tư Hãn trở nên cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, đến giờ, vị trí huyệt mộ của Thành Cát Tư Hãn ở đâu vẫn là câu hỏi khiến các nhà khoa học đau đầu.
Các nhà khảo cổ và sử học của Trung Quốc cho rằng để tìm được mộ của Thành Cát Tư Hãn trước tiên cần xác định nơi ông qua đời. Họ đưa ra ba địa điểm có khả năng nhất: Một là vùng núi Lục Bàn thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Hai là huyện Thanh Thủy tỉnh Cam Túc. Ba là núi Linh Vũ thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Vì vậy, theo những chuyên gia này, mộ phần của Thành Cát Tư Hãn có khả năng được chôn cất tại ba địa điểm trên.
Trong khi đó, hầu hết các nhà sử học và khảo cổ thế giới lại cho rằng có bốn giả thuyết về mộ của Thành Cát Tư Hãn: Một là ở phía Nam núi Khentai, bắc sông Keroulen thuộc lãnh thổ nước Mông Cổ. Hai là ở vùng núi Khongor thuộc lãnh thổ Mông Cổ. Ba là ở núi Lục Bàn thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Bốn là ở vùng núi Thiên Lý thuộc Huyện Etok phía tây thảo nguyên Ertos, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Giới sử học Trung Quốc thì nhận định, Thành Cát Tư Hãn đã ở núi Lục Bàn trong vòng 2 – 3 tháng và qua đời tại đây. Trong thời gian lưu lại đây, ông có hai hoạt động chính. Một là làm việc, nghỉ ngơi an dưỡng ở thung lũng núi Lục Bàn và ở Lương Điện, thượng nguồn sông Kinh. Hai là xây dựng cung điện ở chân núi Lục Bàn, sau này trở thành Khai Thành của An Tây Vương Phủ. Thung lũng núi Lục Bàn là khu vực có cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ nên rất phù hợp để tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Thành Cát Tư Hãn sau những cuộc chinh chiến trường kỳ đã về đây tĩnh dưỡng rồi qua đời. Vì thế, mộ của ông đặt ở vùng núi Lục Bàn là hợp lý nhất. Bởi vì, Thành Cát Tư Hãn ở đây lúc cuối đời, khi chết là mùa hè, nên thi hài khó có thể vận chuyển đi xa, cụ thể là đưa về Mông Cổ. Trong khi đó, nhiều nhà khảo cổ và sử học nước ngoài lại đưa ra bằng chứng cho rằng, mộ phần của Thành Cát Tư Hãn được đặt trên đất Mông Cổ.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học và khảo cổ lập luận, chết là một chuyện, còn việc chôn cất lại là chuyện khác. Liệu thi hài của Thành Cát Tư Hãn có được chôn cất ở đây hay đã được di chuyển về đất Mông Cổ?
Vì sao chưa thể tìm được mộ Đại hãn?
Dù đưa ra những quan điểm khác nhau, nhưng giới nghiên cứu các nước đều cho rằng, mộ của Thành Cát Tư Hãn khó tìm là do phong tục chôn cất của người Mông Cổ thời kỳ đó. Các vua quan cùng giới quí tộc giàu có Mông Cổ sau khi chết thường được đặt trong những chiếc quan tài đặc biệt. Những quan tài này làm bằng những khúc gỗ lớn đục rỗng để đặt thi hài vào trong và chôn sâu trong lòng đất. Sau khi chôn, người ta thường đưa hai mẹ con lạc đà đến trên mộ. Họ giết lạc đà con trước mặt lạc đà mẹ và để cho máu của lạc đà con chảy trên mộ.
Sau đó, mộ được san bằng phẳng, rồi trồng cây cỏ để xóa sạch dấu vết. Khi tới cúng viếng, người dân thường để lạc đà mẹ dẫn đường tới nơi lạc đà con bị giết. Lạc đà mẹ dừng lại và cất tiếng kêu thảm thiết nhớ con ở chỗ nào thì nơi đó chính là phần mộ được chôn. Mộ của Thành Cát Tư Hãn có thể cũng được chôn theo phong tục và nghi thức này. Bởi vì theo tập tục của người Mông Cổ, huyệt mộ của các “hãn” phải được bảo mật tuyệt đối. Hơn nữa, lúc sinh thời, Thành Cát Tư Hãn hiếu sát, nên bị người đời nguyền rủa. Lịch sử chép rằng, Thành Cát Tư Hãn là người hiếu sát và hiếu sắc. Năm 20 tuổi đã giết một lúc hơn 300 người thuộc bộ tộc Yekechiletu. Khi tấn công sang vùng Trung Á đã tàn sát dã man nhiều dân tộc, như đã giết tới 1,2 triệu người khi đánh chiếm vùng ven biển Hắc Hải.
Lăng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ. Ảnh: TL
Chính vì thế, để bịt đầu mối và tránh bị khai quật mộ trả thù, vua quan Nguyên Mông thời đó đã cho xây rất nhiều mộ Thành Cát Tư Hãn giả. Nơi làm lễ tế là những lăng tẩm mang tính chất tượng trưng, còn huyệt mộ thật sự thì không ai có thể biết được chính xác ở đâu. Vì vậy, không chỉ Thành Cát Tư Hãn mà lăng mộ của hầu hết các ông vua triều Nguyên, những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn sau này đều không thể tìm thấy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mộ phần thực sự của ông tới nay vẫn là bí ẩn không lời giải.
Nhân kỉ niệm 780 năm ngày mất của Thành Cát Tư Hãn (1227 - 2007), Trung Quốc đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Thành Cát Tư Hãn và núi Lục Bàn” tại Khu tự trị Hồi Ninh Hạ với chủ đề chính “Mộ thành Cát Tư Hãn hiện ở đâu?”. Số liệu thống kê của Trung Quốc và Mông Cổ cho biết, hơn 200 năm qua đã có trên 100 đoàn khảo cổ với nhiều trang thiết bị hiện đại, tối tân và phương pháp tiên tiến nhất tổ chức tìm mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Tiêu biểu là các đoàn sau đây: Từ năm 1990 tới năm 1993, đoàn khảo cổ Nhật Bản kết hợp với ngành khảo cổ Mông Cổ đã lặn lội tìm kiếm trên diện tích 10.000km2. Họ đã phát hiện 3.500 khu mộ cổ chôn cất từ trước thế kỷ 13, nhưng vẫn không tìm thấy mộ thật của Thành Cát Tư Hãn. Trong thời gian 5 năm kể từ năm 1995, đoàn khảo cổ của Mỹ đã dùng những máy móc thăm dò hiện đại kết hợp với vệ tinh định vị GPS tiến hành tìm kiếm ở khu vực phía đông Mông Cổ, nhưng cũng không xác định được mộ phần thực sự của Thành Cát Tư Hãn. Tháng 7-2000, đoàn khảo cổ Mỹ căn cứ vào “Bản đồ lịch sử bí mật” của Mông Cổ để tiến hành tìm kiếm. Họ phát hiện 150 khu mộ cổ thời kỳ Thành Cát Tư Hãn, nhưng vẫn không tìm thấy mộ của ông. Tháng 7-2003, có thông tin rằng, các chuyên gia đã phát hiện được di chỉ mộ của Thành Cát Tư Hãn ở Etok phía Tây thảo nguyên Ertos (Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc) nhưng rốt cuộc vẫn không đúng.
Ngày 30-8-2007, tờ “Tin buổi sáng” của Trung Quốc đưa tin, giới khảo cổ Kazakhstan đã căn cứ theo những ghi chép của sử sách để đưa ra nhận định, mộ của Thành Cát Tư Hãn được chôn ở Kazakhstan. Nhưng tới nay vẫn chưa có căn cứ nào xác định thông tin này. Những cuộc tìm kiếm mộ Đại hãn với khoa học hiện đại đều bất thành khiến một số người nhận định, rất có thể Thành Cát Tư Hãn được chôn theo nghi thức hoàng đế, có lăng mộ hoành tráng nhưng nằm sâu dưới lòng đất. Bí mật lăng mộ này được đảm bảo vì tất cả những người xây lăng mộ đều đã bị giết chết, bị đầu độc sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ…
Đến nay, việc tìm mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn là lời thách thức với giới khảo cổ thế giới. Rất có thể sau nhiều thế kỷ nữa nơi chôn cất vị Đại hãn này vẫn là một ẩn số…
Minh Đạo (sưu tầm)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại