Thứ hai 29/04/2024 02:03

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Quốc hội

Trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sau khi nghe Tờ trình và thảo luận tại tổ vào chiều 10/11, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, TP Hà Nội và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô, trong đó có nội dung mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Về nội dung thu hút nhân tài trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) nhấn mạnh, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện được cơ bản tinh thần của các chính sách, định hướng đã đề ra nhưng vẫn mang tính định hướng chính sách chứ chưa tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng.

Cụ thể, dự thảo Luật chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng…), mà vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”. Như vậy, sẽ rất khó để đánh giá ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.

Cho rằng các thời kì phát triển khác nhau sẽ gắn với những yêu cầu đặc thù về điều kiện phát triển, trong đó có yêu cầu đối với thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu đoàn Bạc Liêu góp ý, dự thảo Luật cần quy định thẩm quyền tự chủ của HĐND TP Hà Nội trong việc đưa ra chính sách, quy định về thu hút nhân tài theo từng thời kì.

Về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, cần trao quyền cho HĐND TP Hà Nội ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Để giữ chân được người tài, cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn tỉnh Đồng Tháp), dự thảo Luật mới nêu ra các thủ tục, quy trình về mặt hành chính để một người nào đó có thể có những tài năng, thế mạnh nhất định ở những lĩnh vực nhất định thì sẽ được xét tuyển, sẽ được ký hợp đồng.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị, cần có một điều khoản ghi rõ và khẳng định, Hà Nội mời, khuyến khích, trọng dụng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng, có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan thành phố. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô.

Tinh thần “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đã được thể hiện rõ trong dự án Luật là nhìn nhận của đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật mới quy định một số chính sách để thu hút đầu vào đối với nhân tài, như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút.

Do đó, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cụ thể về tiền lương, các thu nhập khác đối với nhân tài, cũng như ưu đãi về chỗ ở, phương tiện đi lại, về y tế, giáo dục cho thân nhân của nhân tài…

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển TP Hà Nội, tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi Thủ đô phải có những bước đi, hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Theo đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng thể chế hóa được các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực và nguồn lực để thành phố phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ và sứ mệnh của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển” Tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển”
Bài 3: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Bài 3: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Bảo Lâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động