Thứ bảy 20/04/2024 16:17

Hội nghị văn hoá toàn quốc: Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội. Đây được xem là một ngày hội lớn, một "hội nghị Diên Hồng" của toàn ngành Văn hoá.
Hội nghị văn hoá toàn quốc: Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Niềm tin và khát vọng" chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Ảnh: Trần Huấn

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ nhất, do vậy "được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...".

600 đại biểu sẽ tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

Nội dung, trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Bên cạnh đó, dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng ta xác định là "kim chỉ nam" cho hành động, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng ta đã đạt được thành tựu gì, chúng ta đang khó khăn, yếu kém gì?

Từ đó sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có một nhận thức đúng đắn. Khi chúng ta có nhận thức đúng sẽ có một hành động đẹp.

Từ nhận thức có tính chất hệ thống, ở dưới góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Tại Hội nghị lần này, Ban tổ chức cũng dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Bộ sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.

Ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất với sự tham gia của hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc thời bấy giờ.

Đặc biệt, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946 diễn ra chỉ một năm sau khi đất nước độc lập, mặc dù còn bộn bề nhiều công việc trọng đại, nhưng với tầm tư tưởng của một lãnh tụ xuất chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hóa trong việc chấn hưng dân tộc.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm cơ sở, đồng thời phải tiếp thu kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng...

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Mục tiêu của Hội nghị là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa ở Việt Nam.

Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đang được kỳ vọng sẽ nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường quốc dân đi”.

HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động