Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ 3 kết thúc thành công tốt đẹp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThông tin đến báo chí về những điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết:
Tại Hội nghị lần này, các bộ trưởng đã tập trung trao đổi các giải pháp tầm khu vực và quốc gia để thúc đẩy bảo đảm an sinh xã hội phụ nữ và trẻ em gái, hướng tới hiện thức hóa Tuyên bố ASEAN của các nhà lãnh đạo cao cấp ASEAN về tăng cường an sinh xã hội.
Với chủ đề xuyên suốt “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025”, bộ trưởng các nước ASEAN đã thảo luận về những xu hướng, thách thức liên quan đến công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực và ở từng quốc gia. Cụ thể như các vấn đề về: Biến đổi khí hâu, thiên tai, tác động của kỷ nguyên số, phân biệt đối xử đối với phụ nữ hiện nay…
Các Bộ trưởng cũng đã chia sẻ quan điểm về tình hình thực hiện tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025. “Đây là nội dung thiết thực trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng và định kiến giới còn tồn tại ảnh hưởng đến giáo dục, việc làm, vị thế của phụ nữ và trẻ em ở mỗi quốc gia. Các nước ASEAN học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nội dung chia sẻ này”, Thứ trưởng Hà thông tin.
Trong phiên họp chính, các Bộ trưởng tập trung thảo luận về các nội dung đảm bảo tiếp cận việc làm bình đẳng cho lao động nữ, các chính sách tiếp cận bình đẳng giáo dục đào tạo nghề cho phụ nữ để từ đó phụ nữ tham chính, phụ nữ có thể làm chủ doanh nghiệp được.
Ngoài ra, còn tiến hành thảo luận về các chính sách về giảm nghèo gắn với tạo việc làm và sinh kế cho phụ nữ nghèo, chính sách bảo đảm tiếp cận bảo hiểm xã hội toàn diện cho phụ nữ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong phần thảo luận, nhiều bộ trưởng đã nêu những chính sách riêng biệt về bảo hiểm xã hội, tiếp cận bảo hiểm xã hội toàn diện cho phụ nữ rất nhiều chính sách ưu việt, nhất là đối với đối tượng lao động phụ nữ nghèo ở các khu vực kinh tế phi chính thức, nông thôn, nông nghiệp, lao động nữ di cư. Cùng với đó, các vấn đề an sinh xã hội như:
Tiếp cận thông tin, y tế, nước sạch , giáo dục, nhà ở… cũng đã được thảo luận trong các phiên họp chuyên đề và trong phiên họp kín của các bộ trưởng. Các nội dung này đều được vào trong Tuyên bố chung của hội nghị. Tuyên bố sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 11-2018 tại Xinh-ga-po.
Thứ trưởng Hà cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ Chủ tịch từ nay đến 2021 thực hiện thành công và góp phần thúc đẩy thành công của phụ nữ và trẻ em gái, bảo đảm an sinh xã hội để hướng tới mục tiêu “không có ai bị bỏ lại trong cộng đồng ASEAN”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin về những kết quả của Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ 3. Ảnh: Mạnh Dũng |
Trả lời câu hỏi của báo chí về những sáng kiến của Việt Nam đóng góp tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã có 5 sáng kiến. Trong đó sáng kiến lớn nhất là Việt Nam đã đề xuất vấn đề “An sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025” là chủ đề xuyên suốt của Hội nghị.
Chủ đề đã được đánh giá cao và nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên ASEAN. Tạo diễn đàn cho các Bộ trưởng trao đổi quan điểm của mình trong thực hiện tuyên bố tăng cường an sinh xã hội các nhà lãnh đạo cao cấp ASEAN.
Việt Nam cũng đã đưa ra đề nghị các quốc gia gửi báo cáo về an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Từ các báo cáo quốc gia này xây dựng ấn phẩm làm tài liệu tham khảo cho các nước trong khu vực trong thời gian tới.
Trong quá trình trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đặc biệt là mục tiêu liên quan đến giáo dục, lao động việc làm, y tế, sự tham chính, Việt Nam cũng có những chia sẻ quan trọng. Đó là ngoài hệ thống chính sách đầy đủ rõ ràng, quyết tâm đồng thuận của hệ thống chính trị các cấp thì sự tự vươn lên, tự phấn đầu, nỗ lực của phụ nữ, trẻ em gái trong mọi mặt của xã hội cũng là một giải pháp quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, với những đóng góp này, Việt Nam cam kết nỗ lực mạnh mẽ thực hiện Tuyên bố chung tại hội nghị cũng như thực hiện tuyên bố tăng cường an sinh xã hội của các nhà lãnh đạo cao cấp ASEAN.
Cùng tham gia trả lời tại buổi họp báo, ông Kung Phúc (Kung Phoak) - Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN cũng đã có những chia sẻ về phương thức truyền thông để khắc họa hình ảnh phụ nữ và trẻ em gái một cách tích cực hơn trên truyền thông.
“Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc giải quyết bất bình đẳng giới. Quan trọng là phụ nữ phải được khắc họa một cách tích cực trên truyền thông. Từ đó các em gái có thể nhìn thấy bản thân mình là những tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi, thay vì đứng ngoài một cách thụ động. Đồng thời các em trai có thể coi phụ nữ là một đối tác bình đẳng, có khả năng lãnh đạo.
Để làm được điều này, người làm báo trước tiên phải có tư duy, nhận thức đúng về bình đẳng giới, về việc trao quyền cho phụ nữ", ông Kung Phúc chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: Các Bộ trưởng thống nhất Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Việt Nam để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 11-2018 tại Xinh-ga-po. Bản Tuyên bố tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm; Tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại