Thứ sáu 22/11/2024 17:26

Hoạt động vui chơi bằng việc đeo “gông cùm” cho trẻ: phản giáo dục, thậm chí có thể vi phạm pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng hình ảnh, clip một số trẻ trường mầm non tham gia hoạt động vui chơi bị các cô giáo mô tả cảnh đeo gông cùm với những khẩu hiệu kèm theo như là một chương trình hài hước nhưng có thể đó là hành vi phản giáo dục, gây tâm lý không tốt cho trẻ em.
Hoạt động vui chơi bằng việc đeo “gông cùm” cho trẻ: phản giáo dục, thậm chí có thể vi phạm pháp luật
Hình ảnh trong clip trẻ bị giáo viên đeo "gông cùm" gây phản cảm. Ảnh cắt từ clip

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip các em nhỏ của một trường mầm non bị giáo viên đeo “gông cùm” được làm bằng bìa các tông. Mỗi tấm bìa được viết những dòng chữ như: sơ hở là khóc, 7h vào học 10h đến, ăn chậm nhất lớp, bà tám của lớp,… Clip này còn được lồng nhạc phim “Cảnh sát hình sự”. Khi clip được đăng tải lên mạng, nhiều người cho rằng cô giáo không nên làm như vậy bởi hành động này không phù hợp trong môi trường sư phạm, hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Thực tế, trong clip, nhiều em nhỏ cũng không tránh khỏi ánh mắt hoang mang, thậm chí bật khóc khi bị giáo viên đưa ra làm trò đùa.

Được biết, đeo gông cùm bằng giấy vào tay là "trend" trên Tiktok được nhiều tài khoản hưởng ứng, trong đó có cả giáo viên mầm non và phụ huynh cũng thực hiện hành động này với học sinh, con em mình.

Hoạt động vui chơi bằng việc đeo “gông cùm” cho trẻ: phản giáo dục, thậm chí có thể vi phạm pháp luật
Một em nhỏ bật khóc trước hành động bị đeo "gông cùm" vào tay. Ảnh cắt từ clip.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, hoạt động giáo dục trẻ em là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, có sự quản lý của Nhà nước. Các chương trình giáo dục, giáo trình, tài liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chương trình đào tạo kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa cũng phải tuân thủ các quy định, đảm bảo không trái với pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục, phù hợp với độ tuổi, chương trình giáo dục.

“Hình ảnh, clip một số trẻ trường mầm non đang tham gia hoạt động vui chơi bằng cách các cô giáo mô tả cảnh đeo gông cùm với những khẩu hiệu kèm theo như là một chương trình hài hước nhưng có thể đó là hành vi phản giáo dục, gây tâm lý không tốt cho trẻ em.

Luật Trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em. Theo đó, “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Bởi vậy, mọi hành vi gây ra sự sợ hãi, lo lắng cho trẻ em thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Dù là mục đích giáo dục, vui đùa hay mục đích nào khác nhưng nếu các trò vui đùa quá trớn, thiếu tính giáo dục và gây ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoảng sợ cho trẻ em thì đó là những hoạt động không tốt, thậm chí còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật” - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Cũng theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non nên kiểm tra lại các hoạt động ngoại khóa, các phương thức giáo dục chính khóa cũng như giáo dục kỹ năng sống của cơ sở mình. Những nội dung chương trình giáo dục nào phản cảm, có thể gây ra những tâm lý tiêu cực cho học sinh thì cần phải loại bỏ.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần kiểm tra hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là hoạt động giáo dục tư thục mầm non để kịp thời phát hiện các hoạt động giáo dục không phù hợp với pháp luật, với đạo đức, thuần phong mỹ tục, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.

"Các hoạt động giáo dục thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, góp phần xây dựng ước mơ của các cháu trở thành những nhà khoa học, các chú bộ đội, công an, giáo viên, bác sĩ… Thực hiện các hoạt động để biến các cháu thành các tù nhân không phải là định hướng tốt đẹp, nếu hoạt động này có tính chất dọa nạt thì sẽ gây ra sự ám ảnh của các cháu.

Bởi vậy cơ quan quản lý Nhà nước cần có những Cảnh báo, khuyến cáo, cần kiểm tra để kịp thời phát hiện các hoạt động giáo dục phản cảm, bản giáo dục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh để yêu cầu các cơ sở giáo dục điều chỉnh kịp thời. Các hoạt động vui chơi giải trí cũng phải đảm bảo an toàn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tránh việc sử dụng trẻ em trở thành trò vui cười cho người lớn, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của các cháu” - tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh trước thời tiết bất thường Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh trước thời tiết bất thường
Trẻ ngã gãy chân, cô giáo đổ tại số? Trẻ ngã gãy chân, cô giáo đổ tại số?
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động