Chủ nhật 05/05/2024 18:48

Hoạt động công chứng góp phần quan trọng vào cải cách tư pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm qua, hoạt động công chứng đạt nhiều kết quả cụ thể, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải CCHC và cải cách tư pháp.
Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn thống kê hoạt động công chứng trên địa bàn TP cho các công chứng viên…
Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập huấn thống kê hoạt động công chứng trên địa bàn TP cho các công chứng viên…

Theo đó, hoạt động động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.

Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm “trung tâm” phục vụ. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà Nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách Nhà nước, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng và chiến lược cải cách tư pháp.

Việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 Hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý Nhà nước.

Năm 2021, công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL là kết quả đáng ghi nhận góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 cho đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Công chứng viên TP Hà Nội đã dần được hoàn thiện và đi vào nền nếp. Theo Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2022, TP có 122 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng) với 420 công chứng viên. Các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đã công chứng được 568.897 hợp đồng, giao dịch, nộp vào ngân sách hơn 38 tỷ đồng.

Đã đăng tải 1.322 thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị và giải quyết 78 đơn (kiến nghị, đề nghị) của công dân liên quan đến việc thông tin ngăn chặn; Cấp thẻ công chứng viên cho 30 trường hợp; Thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 118 tổ chức; Tiếp nhận, đăng ký tập sự 162 trường hợp.

Trong những năm qua, các văn phòng, tổ chức công chứng trên địa bàn TP đều đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Luật Công chứng, góp phần ổn định KT-XH, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã có hành vi vi phạm, đã để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến nội dung hay trình tự, thủ tục công chứng văn bản công chứng, chứng thực văn bản chứng thực hay mức thu phí, thù lao, chi phí khác hoặc thái độ ứng xử, phong cách làm việc của công chứng viên...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng, mỗi công chứng viên cần phải chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc cập nhật liên tục nội dung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực công chứng; thường xuyên trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, tuân thủ nghiêm túc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm theo quy định.

Từng tổ chức hành nghề công chứng nói chung cũng như cá nhân công chứng viên đóng vai trò Trưởng phòng/Trưởng văn phòng công chứng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của từng cá nhân công chứng viên đang hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng do mình phụ trách;

Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị cần thiết để từng bước triển khai “số hóa” một số công đoạn liên quan đến thủ tục, trình tự công chứng theo quy định của pháp luật nhằm tiết giảm thời gian, chi phí cho người yêu cầu công chứng; Đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận có liên quan mật thiết đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng…để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, góp phần giảm thiểu các sai phạm không đáng có trong hoạt động công chứng.

Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, Sở luôn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực công chứng; Phối hợp với Hội Công chứng viên TP thực hiện có hiệu quả Quy chế Phối hợp quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn TP; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ công chứng.
Hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Đẩy mạnh cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng
Kết quả tích cực góp phần thực hiện cải cách tư pháp
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động