Thứ hai 25/11/2024 15:55
Câu chuyện hòa giải

Hoà giải viên hoá giải khúc mắc giữa hai chị em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không chịu nhường nhịn nhau dẫn đến tranh chấp nhiều năm chỉ vì đất đai, cô em gái còn chôn “bùa” trong mảnh đất của chị gái mình với ý định trả thù. Hoà giải viên đã tìm hiểu và hoá giải...

Dứt tình chị em vì đất cát

Với 234 hộ, hơn 800 nhân khẩu, đa số người dân làm nghề buôn bán nhỏ, cho thuê nhà trọ nhưng tổ dân phố H14, phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ đời sống nhân dân. Được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố, thành viên tổ hòa giải của khu dân cư, ông Nguyễn Văn Liệu, SN 1954, mong muốn được đóng góp cho sự bình yên của địa phương. Là địa bàn có một bộ phận người dân theo Công giáo, sinh hoạt thường xuyên tại Giáo họ Hoàng Thôn thuộc Giáo xứ Cổ Nhuế, nên công tác vận động người dân đoàn kết, xây dựng mối quan hệ lương giáo tốt đẹp là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp chính quyền và người dân nơi đây.

Tham gia công tác hòa giải từ năm 2000, qua 20 năm “trong nghề”, hòa giải viên Nguyễn Văn Liệu luôn mang theo mình một cuốn sổ công tác khá dày, ghi lại toàn bộ thông tin về các vụ việc mâu thuẫn phát sinh tại địa bàn dân cư. Trong đó, có không ít vụ việc ông cùng tổ hòa giải đã hóa giải thành công, ngoài ra một số vụ việc khác phức tạp hơn thì báo cáo lên phường để tìm hướng giải quyết hợp lý. Một trong số đó là vụ việc mâu thuẫn giữa hai gia đình là chị em ruột, vì tranh chấp đất đai với nhau mà xảy ra xích mích suốt nhiều năm liền.

Ông Liệu kể, do ghen ghét việc mảnh đất ở của chị mình rộng hơn mà người em đã nhiều lần cự cãi, thậm chí xô xát với chị gây mất ổn định khu phố. Cá biệt, người em còn bí mật cho chôn bùa – những lá bài tổ tôm dưới nền cửa nhà chị mình để trấn yểm, mong cho làm ăn lụn bại. Một số người dân xung quanh phát hiện vụ việc liền báo cho người chị, sau đó sự việc đến tai ông Liệu.

Ông Liệu đã tới tìm hiểu sự tình. Khi gặp người em, các thành viên trong tổ hòa giải phân tích, hành vi này hoàn toàn sai và mang yếu tố mê tín dị đoan. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, uy hiếp tinh thần người khác. Từ xưa đến nay, chưa có trường hợp nào sử dụng cách này để “trả thù”, huống hồ là hai chị em ruột. “Nếu chị không tự giác đào bỏ cái bùa kia đi, chúng tôi sẽ mời công an phường vào cuộc và khi đó, chị sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” – ông Liệu nói với người em.

Sau khi nghe khuyên giải, cô này cuối cùng đã chấp nhận đào bỏ lá bùa kia lên và xin lỗi chị gái của mình. Từ đó về sau, không gây thêm các sự việc tương tự để ảnh hưởng đến trật tự của khu dân cư. Ông kể, đây là câu chuyện chưa từng xảy ra tại địa bàn, nhất là lại mang hơi hướng mê tín dị đoan. Để hoá giải, hoà giải viên vận dụng cả mặt tình cảm và lý lẽ chắc chắn.

cau chuyen hoa giai hoa giai vien hoa giai khuc mac giua hai chi em
Hòa giải viên Nguyễn Văn Liệu, tổ hòa giải tổ dân phố H14, phường Cổ Nhuế 1 cho rằng, để nâng cao hiệu quả hòa giải thì cần phải có uy tín, sự kiên trì và kiến thức pháp luật cần thiết.

Dùng “can rượu 5 lít” để hòa giải

Đó là câu chuyện có thật được hòa giải viên Nguyễn Văn Liệu kể cho chúng tôi nghe về trường hợp vợ chồng ông C và bà P, ông Liệu phải dùng cả một chiếc can rượu màu vàng loại 5 lít để làm “phương tiện” hòa giải. Cả hai đều đã ngoài 50 tuổi nhưng vợ chồng ông C lại thường xuyên xảy ra cự cãi, to tiếng chỉ vì ông C có thói hay rượu chè, nhậu nhoẹt.

Có hôm về tới nhà cũng là lúc không còn đủ tỉnh táo để làm việc nhà hay nấu cơm, ông bắt đầu chửi vợ và đòi tiền để đi uống rượu tiếp. Bà P nhất định không nghe và liền bị ông C cầm gậy đuổi đánh. Hàng xóm biết chuyện sang can ngăn nhưng không được, bà P chạy sang cầu cứu ông Liệu và mấy người dân quanh đó để nhờ can thiệp.

Nắm bắt tình hình trên, tổ hòa giải gồm 5 người của ông Liệu phân công, chia nhỏ thành các nhóm tới khuyên giải vợ chồng ông C. Riêng ông C, ông Liệu phải trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện rất nhiều lần. Ông chia sẻ: “Là người địa phương, chúng tôi hiểu rõ tâm tính, thói quen của từng người để có hướng tiếp cận phù hợp. Qua tìm hiểu, ông C là một người lao động tự do, tính lại hay chè chén, rượu bia nên khi không còn làm chủ được bản thân vì say xỉn, ông có thói hay đánh vợ và bắt đưa tiền để nhậu tiếp.

Có một hôm, tôi sang nhà và xách theo một can đựng rượu loại 5 lít màu vàng. Trước mặt tổ hòa giải, tôi đã mời ông C uống hết can rượu. Nếu uống hết, tổ hòa giải sẽ ra về và không can thiệp vào chuyện gia đình nữa. Còn nếu không, ông phải làm bản cam kết từ nay không được bia rượu và đánh vợ nữa, giữ yên trật tự khu phố. Tôi nói nhưng với vẻ nghiêm nghị, cứng rắn để không thể cho ông C cứ hùng lên mà đuổi chúng tôi về được”.

Thấy thái độ của ông C bắt đầu mềm mỏng hơn, ông Liệu mới cất can rượu đi. Vừa vỗ vai ông C, ông Liệu giảng giải, dù sao thì cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi, lên ông lên bà cả rồi chứ đâu phải lớp thanh niên còn non kinh nghiệm sống mà giở thói côn đồ, bạo hành vợ con mình. Mình đánh vợ được một cái chỉ thỏa được lúc tức giận nhất thời, chứ nếu không may vợ có làm sao thì ai chịu trách nhiệm. Hơn nữa, pháp luật đã có nhiều quy định rõ ràng về các hành vi bị cấm với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực gia đình.

Dù vợ anh không tố cáo nhưng một khi chính quyền vào cuộc, công an điều tra thì sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật chứ không phải là khuyên bằng miệng như các thành viên tổ hòa giải. Khi đã ở tuổi này rồi, mình cứ chịu khó làm ăn, kể cả chạy xe ôm hàng ngày kiếm vài đồng cũng là giúp gia đình rồi. Con cái cũng đã lớn đến tuổi lập gia đình, bố mẹ cứ suốt ngày va chạm, đánh nhau như thế thì còn ra sao nữa, con cái nào lại đi học tập thói quen xấu của bố là hay đánh đập mẹ.

Từ hôm đó và nhiều ngày sau, ông C đã dần dần thay đổi tính nết, ít rượu chè hơn trước và chịu khó làm đỡ vợ công việc gia đình. Công sức của tổ hòa giải đã phát huy tác dụng khiến ai cũng thấy vui mừng thay.

Không chỉ là những câu chuyện về hạnh phúc gia đình, ông Liệu cũng đã không ít lần cùng tổ hòa giải phải đi giải quyết những mâu thuẫn của người dân liên quan đến xây dựng. Có những trường hợp, hai gia đình liền kề nhau nhưng lại lợp mái tôn chĩa sang nhà bên cạnh dù chỉ 10 – 20 cm và xảy ra xích mích. Bên lợp mái cho rằng họ không sai vì giữa hai nhà còn có một khoảng không là đất giáp ranh.

Còn bên kia khăng khăng nhận đấy là đất của nhà mình, hàng xóm lợp tôn dù lấn sang 1 cm cũng sẽ phải đòi lại. Tổ hòa giải đến tận nơi, mời cả hai gia đình có mặt cùng chứng kiến để mời cán bộ địa chính phường xuống làm việc, đo đạc theo sổ đỏ của các nhà. Giải quyết kiểu “đất giăng dây, cây cắm sào” là rõ ai đúng ai sai. Thế rồi gia đình kia dù đang cho thợ lợp mái tôn cũng phải yêu cầu không được chĩa quá sang phần đất của hàng xóm. Từ đó, hai nhà mới thôi không còn cãi cọ nhau nữa.

Kết thúc buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Liệu đúc rút ra một kinh nghiệm rằng, để làm tốt công việc hòa giải thì người hòa giải viên dứt khoát phải có uy tín trong dân. Ông Liệu đang là Ủy viên thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2017 – 2022. Với lối sống chuẩn mực, cư xử hòa đồng, sống có trách nhiệm với khu dân cư nên ông được rất nhiều người dân nơi đây nể trọng. Trong công tác hòa giải, ông luôn tâm niệm phải dùng cả biện pháp tâm lý cũng như biện pháp cứng rắn trên cơ sở quy định của pháp luật để nắm được điểm yếu của đương sự, từ đó tìm cách hóa giải mâu thuẫn cho người dân ở khu dân cư.
Đình Tuệ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động