Chủ nhật 08/09/2024 16:43
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:

Hòa giải ở cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách, kinh nghiệm… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.
Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư
Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân. Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tình cảm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên hòa giải ở cơ sở được hình thành từ rất sớm, là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư được củng cố và phát triển từ thời kỳ phong kiến đến ngày nay.

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.

Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã quy định “Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật … thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải…”. Tiếp đến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng quy định một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật “Thông qua… hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở”.

Có thể khẳng định rằng, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, điều này thể hiện như sau:

Một là, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 “Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”.

Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, sự tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Để kết quả đó có giá trị thi hành thì không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc để trốn tránh nghĩa vụ. Do đó, hòa giải viên phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật từ đó đưa ra nhận định và hướng dẫn, phân tích các bên tranh chấp biết, hiểu thỏa thuận của họ có đúng pháp luật không, có phù hợp đạo đức không, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc người thứ ba không.

Hai là, để tiến hành hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín của bản thân, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ba là, bằng việc đưa ra những quy định của pháp luật để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp, hoà giải viên đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, từ đó giúp họ hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật (để tránh những tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tương tự có thể tiếp tục xảy ra). Đồng thời, sau khi được hòa giải, mỗi bên tranh chấp cũng có thể trở thành người tư vấn pháp luật cho những người khác (người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) khi những người này nảy sinh hoặc có nguy cơ nảy sinh tranh chấp tương tự trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ tư, hòa giải viên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua vụ việc cụ thể, cho đối tượng cụ thể bằng cách thức dễ hiểu nhất, gần gũi nhất, phân tích sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đây là phương thức phổ biến pháp luật tác động trực tiếp từ chủ thể (hòa giải viên) đến đối tượng (các bên mâu thuẫn, tranh chấp và những người khác) với nội dung pháp luật xác định, gắn liền với từng mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật cụ thể. Từ đó các bên hiểu rõ, nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ xã hội nhất định và hình thành hành vi xử sự phù hợp, đó chính là thói quen tự giác chấp hành pháp luật.

Thứ năm, công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là biểu hiện của dân chủ, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Bằng hoạt động hòa giải ở cơ sở, các bên tranh chấp tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở nguyện vọng, hài hòa lợi ích giữa các bên. Hòa giải viên ở cơ sở là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; hòa giải viên hướng dẫn các bên tranh chấp, mâu thuẫn để họ tự thống nhất cách giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

Thứ sáu, hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải, giải quyết kịp thời sẽ không phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, không gây sự âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, từ đó các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.

Thứ bảy, hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức của công tác dân vận. Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tính, hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân, bằng kinh nghiệm của mình, họ phân tích, giải thích cho các bên hiểu về những giá trị cốt lõi của đạo đức con người, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân, hướng mọi người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh.

Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên nắm được được tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó tham mưu lại cho chính quyền, cho Đảng những giải pháp căn cơ để xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp, “ý Đảng – lòng Dân”. Chính vì vậy, việc sử dụng kỹ năng “dân vận khéo” đã được nhiều hòa giải viên ở cơ sở áp dụng trong quá trình hòa giải, họ quan niệm mình là sợi dây kết nối giữa Đảng với người dân.

TQ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động