Thứ ba 26/11/2024 12:49

Hòa giải mâu thuẫn vợ chồng phải rất tế nhị, linh hoạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo thành viên tổ hòa giải phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, người hòa giải viên luôn phải linh hoạt trong cách hòa giải, lúc thì cứng rắn, lúc phải mềm mại,... Phương châm là giải quyết ngay bằng tình cảm, không gây căng thẳng cho các bên.
Hòa giải mâu thuẫn vợ chồng phải rất tế nhị, linh hoạt
Bà Thảo chia sẻ với PV về câu chuyện hòa giải trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, SN 1959, nhà số 89 ngõ 663 đường Trương Định, thành viên tổ hòa giải, tổ trưởng tổ dân phố số 9, chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu dân cư liên tổ 8,9,10,11 cho biết, bà tham gia công tác hòa giải được 4 năm nay.

Tiếp xúc với công tác hòa giải có nhiều điều mới mẻ nhưng bà cũng may mắn bởi ngày trước ở cơ quan bà làm bên công đoàn nên về tổ dân phố cũng gần gũi với người dân, bắt nhịp nhanh.

Bà Thảo cho biết thêm, là người phụ nữ tham gia công tác ở địa phương mặc dù có nhiều khó khăn hơn đàn ông nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Trong đó, người phụ nữ làm công tác xã hội vẫn luôn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình tại gia đình.

Bí quyết để “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đó là nhờ cách sắp xếp khoa học các công việc cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình từ các thành viên trong gia đình.

Với đặc thù của công việc hòa giải là thường phát sinh bất kể thời gian nào, khi người dân phản ánh hoặc nhờ đến tổ hòa giải là thành viên có mặt, lên đường đi luôn nên cũng có lần, khi đang trông cháu tại nhà, bà Thảo phải đưa cháu đi cùng.

“Trong thời gian vừa qua, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, tôi đã sắp xếp thời gian, việc gia đình để hoàn thành công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối và quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mặc dù có nhiều vất vả nhưng mọi người chấp hành nghiêm và đảm bảo khu dân cư yên bình là chúng tôi vui lắm, cảm thấy công sức của mình đã góp một phần nhỏ vào công tác giữ gìn tình đoàn kết, an toàn trong khu dân cư”, bà Thảo thông tin.

Chia sẻ về câu chuyện hòa giải, bà Thảo cho biết, ở gần nhà bà có đôi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Người vợ bị đánh không chịu được nên sang nhà bà khóc lóc rồi gửi bà đơn ly hôn.

Khi người vợ sang nhà, bà Thảo mời người này uống nước và nghe chị kể lại câu chuyện mâu thuẫn của hai vợ chồng. Theo người vợ kể thì hai vợ chồng làm ăn cũng có kinh tế nên người chồng ra ngoài đã cặp kè bồ bịch. Người vợ can ngăn, khuyên bảo nhưng người chồng không nghe mà còn đánh vợ.

Chưa dừng lại, khi người vợ nói chuyện với bố mẹ chồng lại không được bố mẹ ủng hộ, khuyên bảo chồng dừng cặp kè bên ngoài mà còn bị nói mâu thuẫn trong gia đình là do người vợ không biết quan tâm chồng, đối nhân xử thế,...

Là người phụ nữ nên khi nghe câu chuyện của chị vợ, bà Thảo đã hiểu được nguồn cơn của mâu thuẫn này và bố mẹ chồng bênh con trai nên mọi việc lại đổ lên đầu con dâu làm hai con đã mâu thuẫn lại mâu thuẫn thêm và ngày càng xa nhau.

Bà Thảo khuyên người vợ nên bình tĩnh và về gia đình vẫn làm tròn bổn phận của người phụ nữ, ít nói và tránh mâu thuẫn để chồng hành hung,... bà giữ lại đơn ly hôn và sẽ vào cuộc tìm hiểu, hòa giải sự việc. Đồng thời, dặn người vợ rằng, đàn ông không tránh được những lúc sỗ sàng nhưng là người phụ nữ, cái gì mình bỏ qua được thì nên bỏ qua.

Sau đó, bà Thảo tiếp xúc với bố mẹ chồng bằng cách thấy ông bà đi tập thể dục, bà Thảo cũng đi bộ cùng và chia sẻ câu chuyện của gia đình người con, khuyên nhủ bố mẹ chồng phải có trách nhiệm giáo dục anh con trai, khuyên anh không cặp kè, bồ bịch bên ngoài.

Thời điểm đầu, bố mẹ chồng vẫn chưa nghe ra, ông bà vẫn nói hai vợ chồng thích ly hôn thì cho ly hôn, cuộc sống của vợ chồng con trai tự quyết định.

Bà Thảo tiếp tục phân tích về việc hai vợ chồng ly hôn thì sẽ ảnh hưởng đến con cái, các cháu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và tương lai các cháu ra sao,.... Sau một thời gian vận động, chia sẻ, bố mẹ chồng cũng nghe ra và khuyên con trai tu chí làm ăn, mỗi người góp ý một câu.

Bà Thảo cũng gặp riêng người chồng, nghe câu chuyện và phân tích về mặt pháp lý, nếu ly hôn thì hậu quả sẽ như thế nào,... con cái ra làm sao,... phân tích các mặt của việc ly hôn. Sau vài tháng hòa giải thì người chồng thay tâm đổi tính, nghe góp ý của mọi người nên hai vợ chồng đã quay lại với nhau. Bây giờ, mỗi khi gặp bà ở đâu, hai vợ chồng đều tươi cười vui vẻ chào hỏi.

“Chúng tôi vào hòa giải những vụ việc như trên hoàn toàn theo tình cảm chứ không có công thức gì. Chúng tôi gặp gỡ, góp ý với các bên đều rất tế nhị, không để lộ ra bên kia căng thẳng như thế nào và không ai biết con dâu viết đơn ly hôn gửi tổ hòa giải.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tùy tính mỗi người để lựa cách nói chuyện cho người ta nghe. Người hòa giải viên luôn phải linh hoạt trong cách hòa giải, lúc thì cứng rắn, lúc phải mềm mại,... Phương châm của chúng tôi là giải quyết ngay bằng tình cảm, không gây căng thẳng cho các bên”, bà Thảo nhấn mạnh.

Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ

Mâu thuẫn không đóng tiền làm ngõ đi chung và cái kết bất ngờ

Một hộ gia đình đã không đóng tiền làm ngõ đi chung và sau đó muốn mở đường đi ra ngõ này không được người ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động