Thứ tư 17/04/2024 03:27

Hiện tượng lộ lọt thông tin cá nhân: Cần bổ sung hành lang pháp lý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù đã có rất nhiều phản ánh từ người dân, các cơ quan chức năng cũng có những biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng các cuộc gọi “rác” vẫn diễn ra cũng như các đối tượng lừa đảo vẫn nắm thông tin của người dân rõ ràng, rành mạch. Câu chuyện về việc quá dễ dàng để có dữ liệu cá nhân của người dân chưa khi nào nguội trên mọi diễn đàn.
Những cuộc điện thoại “rác” do lộ lọt thông tin cá nhân gây phiền nhiễu đến người dân
Những cuộc điện thoại “rác” do lộ lọt thông tin cá nhân gây phiền nhiễu đến người dân.

“Thông tin cá nhân bị phơi bày ra với cả thế giới”

Liên tục mấy ngày liền, chị Nguyễn Ngọc Bích (quận Hai Bà Trưng) bị quấy nhiễu bởi các số di động, cố định gọi đến mời mua bảo hiểm. Mặc dù đã từ chối, cũng sử dụng những ngôn từ từ nặng đến nhẹ nhưng các cuộc điện thoại vẫn hồn nhiên diễn ra. “Thực ra thì việc nhân viên tư vấn bảo hiểm cố nài kéo khách trên điện thoại không đáng giận bằng việc tại sao đơn vị ấy lại có số điện thoại, tên tuổi đầy đủ và chính xác của tôi” – chị Bích bức xúc.

Cũng như chị Bích, chị Nguyễn Thanh Giang (huyện Gia Lâm) rất bức xúc khi nhận được những cuộc điện thoại của môi giới bất động sản. “Các cuộc gọi diễn ra liên tiếp. Ban đầu còn lịch sự nghe rồi từ chối, sau cứ nghe thấy dự án này, căn hộ kia là tôi ngắt máy. Việc cho số điện thoại vào black list cũng rất hạn chế vì không phải chỉ một người gọi” – chị Giang cho biết.

Không thoát khỏi tình trạng bị quấy nhiễu bởi các cuộc điện thoại mời mua bán nhà đất, căn hộ hay du lịch nghỉ dưỡng, anh Nguyễn Anh Tuấn (quận Đống Đa) còn liên tục có những cuộc điện thoại mời đi… khám bệnh. “Những cuộc điện thoại kiểu này gây ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống cá nhân của tôi. Tôi có cảm giác thông tin cá nhân của mình bị phơi bày hết ra với cả thế giới. Vì làm sao mà tất cả các lĩnh vực từ bất động sản, du lịch đến cả… làm đẹp cũng có số máy và danh tính của tôi. Việc lộ danh tính của người sử dụng như một căn bệnh trầm kha hiện nay vậy” – anh Tuấn nói.

Không những thế, nguy hiểm hơn, theo anh Tuấn đó là những cuộc điện thoại từ những đối tượng lừa đảo giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước như CA, VKS, hải quan hay nhân viên ngân hàng trong thời gian qua. Các đối tượng này không chỉ biết số điện thoại, danh tính người dùng, thậm chí còn biết cả số chứng minh thư hoặc CCCD. Đó chính là thông tin “chí mạng” để những người nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin bị lừa với số tiền lên đến cả tỷ đồng.

“Nếu nói là người dân chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân thì cũng rất khó. Bởi có những giao dịch, những ký kết buộc người dân phải cung cấp toàn bộ thông tin ví dụ như đăng ký lấy số điện thoại, sử dụng dịch vụ truyền hình, internet hoặc giao dịch với ngân hàng, mua bán nhà đất… Không thể khẳng định rằng thông tin không phải là lộ từ đây. Bởi lẽ các dữ liệu này liệu có thực sự được các đơn vị trên bảo mật, chắc chắn không bị sao chép, thậm chí là ăn cắp và bán ra ngoài” – anh Tuấn phân tích. Và theo anh Tuấn, những chế tài xử phạt hoặc hành lang pháp lý để quy định rõ cũng như bảo vệ quyền bảo mật của người dân là điều hết sức cần và bức thiết hiện nay.

Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Về chuyện lộ dữ liệu thông tin cá nhân của người dân, trong phiên chất vấn sáng 10/8, phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng khẳng định, thực trạng lộ lọt thông tin hiện nay rất đáng báo động. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, sở dĩ câu chuyện đó ngang nhiên diễn ra và ngày càng đáng báo động do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao. Trước thực trạng này, Bộ Công an đã triển khai xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. "Bộ Công an đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về vấn đề này, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian ngắn tới đây"- Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, cơ quan này đưa ra lộ trình đến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã có đạo luật riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cũng liên quan đến câu chuyện lộ lọt thông tin cá nhân, chiều 15/8, thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đã đánh giá nội dung nổi bật của dự án Luật này là đưa các quy định để bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng. "Để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng" - ông Huy nhấn mạnh.

Về việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ, cần bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng. Góp ý về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đặt vấn đề, DN, tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin người tiêu dùng để nghiên cứu, phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, thời gian qua tồn tại tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” giới thiệu về bất động sản, mua hàng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Các cuộc điện thoại đó quấy nhiễu không chỉ riêng ai và cho rằng thực tế đang đòi hỏi tại dự án Luật phải có quy định để ngăn chặn tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba lợi dụng việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, tránh bị lạm dụng và gây phiền toái.

Tuy nhiên, để chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân vẫn là hết sức cần thiết. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ lọt thông tin, rao bán dữ liệu cá nhân.

Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán, chiếm đoạt hàng tỷ thông tin cá nhân, tổ chức
Sử dụng, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác bị phạt tới 60 triệu đồng
Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động