Hiểm họa “check-in” ảo trên đường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênRất đông các bạn trẻ đến chụp ảnh tại con đường dọc đê Nguyễn Khoái |
Những ngày qua, khi đi dọc đê đường Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân (gần đoạn giao ngã tư Dốc Vạn Kiếp với Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bắt gặp nhiều người dân dựng xe, đứng xuống lòng đường để chụp ảnh cùng hoa bằng lăng tím. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vì đây đoạn giao ngã tư Dốc Vạn Kiếp với Trần Hưng Đạo, lượng phương tiện lưu thông khá đông đúc, đặc biệt vào giờ tan tầm. Việc các người dân dừng xe bên đường để chụp ảnh không những vi phạm giao thông mà còn gây nguy hiểm, cản trở các phương tiện khác.
Trước đó, cộng đồng mạng một lần nữa lại "dậy sóng" vì hình ảnh một chiếc xe khách dừng giữa đường lánh nạn để nhóm thanh niên đứng dàn hàng chụp ảnh kỷ niệm.
Điều đáng chú ý vị trí nhóm người đó đứng là đường cứu nạn cho các phương tiện trên cung đường đèo dốc chứ không phải một bãi đất cho những du khách dừng chân. Đáng nói, từ trước đến nay đã có nhiều hình thức cảnh báo về tình trạng này trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tuyên truyền về tác dụng của đường cứu nạn.
Theo quy định, khu vực này là đoạn đường được thiết kế và thi công trên đường đèo nhằm làm giảm tốc độ và đảm bảo cho những xe mất kiểm soát có thể dừng lại khi gặp sự cố. Đường cứu nạn chính là nơi các tài xế khi xe gặp vấn đề về vận hành có chỗ để lao vào và chạy hết đà rồi dừng lại. Nó được thiết kế có độ dốc ngược so với chiều di chuyển của xe, mặt đường có trải cát và sỏi cuội, hoặc phía cuối đường cứu nạn có những tường lốp để làm giảm chấn cho các xe mất lái.
Đáng nói hơn, trước đó đã có rất nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về sự nguy hiểm của việc dừng đỗ xe trên đường lánh nạn, cũng như tuyên truyền về công dụng của loại đường này nhưng dường như rất nhiều bạn trẻ cũng không để ý và quan tâm.
Tuy vậy, hành vi nguy hiểm này hầu như vẫn chưa có chế tài xử phạt nào đủ nghiêm. Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung đều không có quy định cụ thể nào để xử phạt riêng về hành vi dừng, đỗ xe tại đường cứu nạn.
Trường hợp dừng đỗ xe trên đường lánh nạn mà trước đó có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe", lái xe sẽ bị xử phạt ở mức 800 nghìn đến 1 triệu đồng theo khoản 3 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính như trên là quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi phản cảm, gây nguy hiểm nói trên. Do vậy, trong thời gian tới, cần bổ sung đường lánh nạn là một trong những nơi cấm tự ý dừng đỗ xe. Cách đây không lâu, trên Quốc lộ 5 lên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, nhiều tài xế "kêu trời" vì người dân tập trung chụp ảnh tại lối lên cao tốc. Họ phải liên tục giảm tốc độ, thậm chí dừng xe để tránh người chụp ảnh tại lối lên đường cao tốc.
Hàng bàng đang vào mùa ra lá mới là khung cảnh rất đẹp tại quốc lộ 5, lối vào cao tốc, địa điểm thu hút người dân Hà Nội đến chụp ảnh check-in vài tuần trở lại đây. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi không ít người đi ô tô, xe máy, thấy đẹp nên dừng lại chụp ảnh. Đáng nói là nhiều chị em phụ nữ còn đứng ra giữa đường để ghi lại những bức hình đẹp.
Đáng nói, đây là đoạn dốc dẫn lên cao tốc nên các phương tiện lưu thông, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn phải đi với tốc độ ổn định để lấy đà lên dốc. Việc phải giảm tốc độ, thậm chí phải dừng xe phanh gấp để tránh người chụp ảnh sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn.
Có thể thấy, vẻ đẹp của hàng cây bàng lá nhỏ đang dần thay đổi diện mạo của thành phố. Nhưng dường như ý thức của một bộ phận người dân đang đi ngược với sự đổi mới của thành phố.
Thực tế, nhiều bạn trẻ ngắm cảnh, cảm nhận, khám phá cảnh quan và con người ở những vùng đất đó thì ít mà chụp hình thì nhiều. Tất cả những điều đó đều là “ảo” nhưng một số người bị sự nguy hiểm tính mạng rình rập lại là thật”.
Vẫn biết tai nạn là chuyện ngoài mong muốn, để lại đau thương cho cả nạn nhân lẫn gia đình, nhưng với những tai nạn đã được cảnh báo mà nạn nhân vẫn phớt lờ thì thêm cả đáng trách. Cái giá của việc bất chấp tính mạng để sống ảo vô cùng đắt. Chỉ những người sống ảo bất chấp mới thực sự là nạn nhân của chính mình và ảnh hưởng tới an toàn của cộng đồng xã hội.
Nhiều chuyên gia giao thông đều cho rằng, biển cảnh báo nguy hiểm của chính quyền địa phương có lẽ cũng chưa đủ với một số người ưa mạo hiểm. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần có biển cấm và quy định hình thức xử phạt thích đáng đối với vi phạm tại các địa điểm “check-in” tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Bên cạnh việc phê phán hay xử phạt; để có thể chấm dứt “vấn nạn” chúng ta cũng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để tất cả mọi người đều biết đến những đoạn đường này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại