Thứ năm 28/03/2024 21:28

Hệ lụy từ việc người lao động mất việc khi đang trong độ tuổi lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Giai đoạn vừa qua tình trạng không ít DN tiến hành thải loại những người lao động trong độ tuổi từ 35 đến 40 đã tạo ra không ít hệ lụy và rõ ràng tình trạng này nếu tiếp tục tái diễn trong thời gian tới thì hậu quả sẽ hết sức khó lường.

Theo kết quả điều tra của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) tại 64 DN ở các khu công nghiệp trên cả nước và cũng ghi nhận có tình trạng thải loại lao động lớn tuổi. Cụ thể, hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động.

Tuy nhiên, bình quân độ tuổi của công nhân trong các DN chỉ là 31,2 tuổi, thời gian trung bình của công nhân làm cho DN chỉ 6 - 7 năm. Với độ tuổi trung bình của người lao động có thể dễ dàng nhận ra, DN chỉ muốn sử dụng lao động trong độ tuổi “vàng”, còn đối với những lao động ở tuổi trung niên (35-40 tuổi) cơ hội việc làm cho họ ở các DN này gần như là con số không.

Điều này cũng phản ánh rõ sự nghiệt ngã trong thị trường lao động bởi người lao động ở độ tuổi này chưa thể mất sức lao động nhưng đã phải chấp nhận nghỉ việc vì DN không còn nhu cầu nữa. Khẳng định việc DN thải loại lao động sau tuổi 35 là có thật và chủ yếu là lao động trong lĩnh vực không đòi hỏi nhiều về tay nghề, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, tình trạng trên đã diễn ra được 7 năm và đặc biệt trong năm nay thì tình trạng này diễn ra phổ biến hơn.

Chủ yếu những lao động bị thải loại là những lao động làm trong các DN có điều kiện làm việc không tốt, cường độ lao động rất cao nên khi lao động sau tuổi 35 sức khỏe sẽ kém dần, độ nhanh nhạy cũng không được tốt, khó có thể tiếp thu được những công nghệ, khoa học kỹ thuật mới.

Anh1
Việc công nhân trong các khu công nghiệp có nguy cơ mất việc sau tuổi 35 đang có xu hướng tăng. ẢNH: T.LIÊN

Chị Hằng, 33 tuổi ở Tuyên Quang chia sẻ, đang làm công nhân cho một Cty sản xuất linh kiện của Nhật trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long với thâm niên 12 năm. Mặc dù vẫn làm việc cho DN nhưng chị cảm thấy lo lắng khi một số đồng nghiệp của chị bị chủ sử dụng lao động cho nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau.

Hầu hết những lao động như chị đều chỉ tốt nghiệp THPT nên khi mất việc gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Ngoài 35 tuổi, sức lao động giảm, không DN nào muốn nhận vào làm, nhiều người phải đi bán hàng hoặc làm các công việc tự do với thu nhập bấp bênh.

Chị Hằng cho biết: “Trong khu công nghiệp đã có vài Cty sa thải công nhân với lý do rất đơn giản là người lâu năm thì lương cơ bản cao và công việc cũng chỉ có như thế thôi. Vì thế họ sa thải người cũ, tuyển người trẻ với công việc như vậy họ chỉ trả lương thấp hơn so với những người làm lâu năm”.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và công đoàn, nhân công giá rẻ đã không còn là thế mạnh của thị trường lao động Việt Nam. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, một thiết bị máy móc có thể thay thế hàng trăm công nhân, xu hướng sa thải lao động giản đơn sẽ còn tiếp diễn với quy mô rộng hơn, tốc độ nhanh hơn.

Ông Thọ nhấn mạnh: “Ngay từ thời điểm này các cơ quan chức năng không đưa ra các biện pháp ứng phó, thị trường lao động Việt Nam sẽ bị tan vỡ từng mảng, dần dần sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Có thể thấy rằng với ý kiến đóng góp của các chuyên gia nghiên cứu về thị trường lao động đã cho chúng ta thấy một bức tranh trong việc sử dụng lao động vào thời điểm hiện tại. Và cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện để có thể đưa ra giải pháp tối ưu, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 với đặc trưng tự động hóa đang đến rất gần.

Ông Phạm Quang Vinh Hiệu trưởng trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Thăng Long chia sẻ: “Đào tạo sát với DN là vấn đề không đơn giản, bởi nền kinh tế của chúng ta đang phát triển. Các DN đầu tư hầu hết là vừa và nhỏ, tầm nhìn dài hạn chưa thể xác định được.

Nhưng tôi cho rằng, một giải pháp cần làm là chính sách hỗ trợ hoặc hợp tác từ phía DN để đào tạo lại những NLĐ đang làm trong KCN để chuẩn bị cho họ tương lai khác. Đây là trách nhiệm của Nhà nước cũng như DN. Với giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH có vai trò rất lớn, nhưng chỉ có thể làm được khi có sự hỗ trợ của DN và thay đổi trong nhận thức của NLĐ. Ngoài ra, khi DN tham gia vào sử dụng lao động rất cần sự gắn kết chặt chẽ với nhà trường để giải quyết vấn đề”.

Thủy Liên / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động