Thứ sáu 26/04/2024 16:50
Nghi phạm đánh chết người vì cái điếu cày:

Hành vi có phải là phòng vệ chính đáng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật sư đánh giá nghi phạm có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1, Điều 123 BLHS về tội “Giết người”. Nếu có căn cứ xác định nạn nhân có lỗi một phần, thì nghi phạm chỉ bị phạt 15 năm tù.
Hiện trường nơi xảy ra vụ xô xát trong quán nước (Ảnh cắt từ clip bạn đọc cung cấp)
Hiện trường nơi xảy ra vụ xô xát trong quán nước (Ảnh cắt từ clip bạn đọc cung cấp)

Mâu thuẫn trong việc mượn điếu cày

Ngày 14/8, tại xã An Bình (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra vụ xô xát khiến một người tử vong. Nạn nhân là anh T.Đ.T, SN 1998, trú tại thôn Cây Rường, xã An Bình; nghi phạm được xác định là Bùi Văn Hải SN năm 1990, trú tại thôn Đồng Rặt, xã An Bình.

Theo thông tin ban đầu, nhóm của Hải đang ngồi uống nước, thì nhóm của T tới. Sau khi anh T hỏi mượn điếu cày không được, hai bên xảy ra xô xát, Hải dùng điếu đập vào đầu anh T. khiến nạn nhân bất tỉnh.

Nạn nhân sau đó gục và tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi nhận tin báo, VKSND huyện Lạc Thủy đã phối hợp với CA huyện Lạc Thủy, CA tỉnh Hòa Bình khám nghiệm hiện trường, tử thi.

Theo lãnh đạo UBND xã An Bình, nghi phạm và nạn nhân là người "làng trên, xóm dưới" của xã An Bình. Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi của Bùi Văn Hải có phải là phòng vệ chính đáng?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những gì diễn ra trong clip cho thấy, chỉ vì lý do nhỏ nhặt, mâu thuẫn trong việc mượn điếu cày mà hai bên đã xảy ra xô xát, hành vi của nghi phạm là hành vi nguy hiểm, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hậu quả nạn nhân đã tử vong. Bởi vậy, CQĐT có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Bình luận thêm về tội giết người, luật sư Thái cho biết, luật hình sự quy định, giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tới tính mạng, quyền sống của người khác. Đối với tội danh này, người phạm tội có thể có lỗi cố ý giết người trực tiếp hoặc cố ý giết người gián tiếp.

Cố ý trực tiếp lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết.

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 123 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp như: Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn… sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Người nào giết người không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên, sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết định khung tăng nặng.

Trong khi đó, người chuẩn bị phạm tội giết người sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Như vậy, người bị chứng minh là phạm tội giết người có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Có phải là phòng vệ chính đáng?

Về vấn đề hành vi của nghi phạm có phải là phòng vệ chính đáng hay không, luật sư Thái cho rằng, clip chỉ là một phần của sự việc nhưng thể hiện rất rõ hành vi dùng điếu cày vụt vào vùng đầu, cổ của nạn nhân. Còn diễn biến cũng như nhận thức, ý thức chủ quan của các bên liên quan trước đó chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, theo dõi clip có thể thấy, khi nạn nhân ném cốc thủy tinh vào thanh niên áo đen và chưa có thêm hành động gì khác thì nghi phạm cầm điếu cày và đánh hai nhát vào vùng đầu và cổ khiến nạn nhân gục tại chỗ.

Với diễn biến như vậy rất khó có thể lập luận đây là hành vi phòng vệ chính đáng. Luật sư phân tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 BLHS 2015, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Theo như quy định trên, phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng, sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm loại bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.

Mục đích của hành vi phòng vệ chính đáng là ngăn chặn bạo lực, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác chứ không phải là hành vi vì thù tức, vì bức xúc, mâu thuẫn mà gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công.

Đối với vụ việc này, qua clip thấy hành vi của nạn nhân chưa gây nguy hiểm đến tính mạng của thanh niên áo đen, hành vi cũng chỉ dừng lại ở đó mà chưa có biểu hiện tiếp theo của sự đe dọa đến tính mạng sức khỏe của những người khác.

"Hành vi ném cốc có xảy ra nhưng chưa biết là có trúng người thanh niên áo đen hay không, cũng chưa rõ là có để lại thương tích gì hay không. Với diễn biến như vậy, những người xung quanh có rất nhiều cách để giải quyết phù hợp, trong đó có thể là hành vi can ngăn, khuyên can các bên.

Tuy nhiên khi việc ném cốc vừa diễn ra, mọi người chưa kịp phản ứng gì, nghi phạm đã dùng điếu cày đánh tới tấp khiến nạn nhân ngã gục. Như vậy khó có thể coi là phòng vệ chính đáng", luật sư Thái nêu quan điểm.

Tan tình phu thê vì... 500.000 đồng
Nghi vấn vì tình cảm, hung thủ giết người tự sát bất thành
Án mạng thương tâm từ mâu thuẫn đánh cờ tướng
Người phụ nữ bán hủ tiếu bất ngờ bị hàng xóm đánh tử vong
Nghi nổ súng trong bữa tiệc sinh nhật, một người tử vong
Quốc Doanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động