Hành vi chống đối kiểu “cãi cùn đuối lý” cần phải xử lý nghiêm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững hành vi chống đối
Ngày 28-7, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh đôi nam nữ được cho là vợ chồng điều khiển xe máy đến chốt kiểm soát dịch chợ Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội và gây rối với lực lượng chức năng ở đây. Theo hình ảnh clip ghi lại, người đàn ông đội mũ lưỡi trai đứng giữa chốt kiểm soát đôi co với cán bộ cảnh sát mặc cảnh phục, bên cạnh là người phụ nữ ngồi trên chiếc xe máy chắn giữa lối ra vào.
Khi cán bộ CA tại chốt kiểm dịch liên tục yêu cầu họ ra ngoài, không được vào trong chợ, người chồng đã khăng khăng: “giấy tờ tôi có đầy đủ đây”, nhưng lại không xuất trình được. Nhiều lần đòi vào không được, người chồng bảo vợ rút điện thoại ra quay lại vụ việc, phát trực tiếp lên mạng. Khi cầm điện thoại ra livestream, người phụ nữ trên liên tục đưa thẳng camera điện thoại vào mặt CA, nói: “Tôi phải quay clip làm bằng chứng. Anh là cái gì ở đây? Anh có nhiệm vụ gì? Anh sai tôi có quyền quay. Thẻ của anh đâu đưa đây…”.
Hình ảnh ghi lại cảnh đôi vợ chồng gây rối trước chốt kiểm soát chợ Yên Phụ, quận Tây Hồ |
Sau đó, đôi vợ chồng trên lao thẳng vào chốt kiểm soát nhằm “thông chốt”, vừa xông vào trong vừa la hét, túm áo lực lượng chức năng. Những hành vi gây rối trên của đôi vợ chồng được nhiều người dân chứng kiến ghi lại. Sự việc khiến cho nhiều người dân bức xúc vì hành vi chống đối của đôi vợ chồng trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; sự cản trở của đôi vợ chồng này khiến người dân phải xếp hàng đứng bên ngoài không thể vào trong chợ.
Được biết, ngay sau đó tổ công tác cùng nhân dân đã khống chế đôi vợ chồng này đưa về trụ sở CA phường Yên Phụ giải quyết. CA phường đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển toàn bộ vụ việc đôi vợ chồng chống đối, gây rối, tấn công lực lượng chức năng ở chốt kiểm dịch chợ Yên Phụ lên CA quận Tây Hồ.
Tiếp đó ngày 30-7, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông không đeo khẩu trang khi đi ngoài đường. Lúc này, một cán bộ CA nhắc nhở người vi phạm đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, người đàn ông này không chấp hành mà liên tục có những lời lẽ xúc phạm, chửi bới.
Trước hành vi vi phạm, cán bộ CA vẫn kiên nhẫn giải thích và thuyết phục, yêu cầu ông chấp hành. Tuy nhiên, bất chấp lời đề nghị người này bất ngờ dùng mũ cối đập thẳng vào mặt chiến sĩ CA đang thực thi nhiệm vụ, khiến anh bị thương, chảy máu ở mặt. Nhiều người dân chứng kiến sự việc, rất bức xúc trước thái độ và hành vi hung hãn đã phối hợp với lực lượng chức năng đưa người đàn ông về trụ sở CA phường để xử lý.
Tại CQCA, danh tính người đàn ông được làm rõ là Nguyễn Văn Huy, SN 1942, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Sự việc xảy ra tại địa bàn phường Nghĩa Đô. Hiện ông này đã bị phường Nghĩa Đô xử phạt hành chính 2 triệu đồng. Rõ ràng, trong bối cảnh phòng, chống dịch hiện nay, nhất là với dịch bệnh chưa có tiền lệ này, việc không tuân thủ quy định, thiếu ý thức cộng đồng sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, cần phải lên án.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến những vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tùy theo tính chất động cơ và mức độ gây thiệt hại của các cá nhân ghi nhận được từ CQĐT, những cá nhân trong 2 vụ việc trên có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Thái cho biết, theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ: Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân; từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo khoản 1 Điều 330, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, luật sư Thái cũng cho biết thêm, hiện nay không có hướng dẫn hay quy định nào về việc các hành vi chống người thi hành công vụ ở mức độ nào thì xử lý hành chính, ở mức độ nào thì có thể xử lý hình sự. Nếu người vi phạm gây sự, đôi co, bắt lỗi vô lý nhằm cản trở hoạt động thi hành công vụ và được thông chốt, hành vi của họ có thể được xếp vào nhóm “thủ đoạn khác”. Tuy nhiên, yếu tố này cần được xem xét khách quan dựa trên hồ sơ vụ việc từ CQĐT.
“Có thể thấy, tình trạng chống đối người thi hành công vụ liên quan đến việc thực hiện các quy định về giãn cách xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 ngày càng gia tăng. Cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc và khởi tố hình sự nhiều vụ án. Pháp luật Việt Nam luôn thể hiện tính nghiêm minh đối với hành vi vi phạm nhưng cũng đề cao tính nhân văn nếu người vi phạm biết ăn năn hối cải”, luật sư Thái cho hay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại