Chủ nhật 02/02/2025 10:42

Hành vi bán giá cao đột biến đợt Tết Nguyên đán sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Bộ Công an, hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá dịp Tết Nguyên đán sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hành vi bán giá cao đột biến đợt Tết Nguyên đán sẽ bị xử lý như thế nào?
Hình ảnh bài đăng trên mạng xã hội phản ánh việc quán bún riêu 54 Bạch Mai bán giá cao đột biến đợt Tết Nguyên đán. Ảnh chụp màn hình

Đình chỉ quán bún riêu 54 Bạch Mai từ phản ánh bán giá cao đột biến

Liên quan đến quán bún riêu ở 54 phố Bạch Mai, ngày 31/1, cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động của quán bún này sau khi có phản ánh thu của khách 1,2 triệu đồng/3 bát bún riêu đêm mùng 1 Tết (29/1).

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ có hay không việc “chặt chém” để xử lý theo quy định pháp luật.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ quán thừa nhận là có sai sót, do "đùa" nên báo giá 1,2 triệu đồng/3 bát bún riêu. Không ngờ khách tưởng thật nên chuyển khoản thanh toán 1,2 triệu đồng.

Chủ quán cũng nhận ra sai sót nên đăng trên mạng xã hội lời xin lỗi và tìm cách liên hệ với khách hàng để chuyển trả tiền. Tuy nhiên, do chưa liên hệ được với khách hàng nên chủ quán liên hệ với ngân hàng để xin số tài khoản của khách để chuyển trả lại.

Trước đó, một người dùng mạng xã hội chia sẻ câu chuyện đi ăn khuya cùng bố và anh trai tại một quán bún riêu ở phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đêm mùng 1 Tết (29/1).

Không hỏi giá trước, đến khi tính tiền, họ giật mình khi được báo giá 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu. Sau khi thanh toán, cô gái đã đăng bài lên mạng xã hội về tình trạng chặt chém ngày Tết và nếu sử dụng dịch vụ phải hỏi giá trước.

Bài đăng của vị khách lập tức gây bão trên mạng xã hội với rất nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó, phần lớn ý kiến cho rằng cần xử phạt mạnh tay với những cơ sở kinh doanh lợi dụng ngày lễ Tết để chặt chém tràn lan.

Ngay sau khi bài viết được chia sẻ, một tài khoản khác tự xưng là em gái chủ quán cho biết, nếu khách ăn 3 bát bún và phải trả 1,2 triệu đồng thì cần trình báo cơ quan chức năng.

Người này chia sẻ thêm, quán bán vào ngày lễ Tết cũng chỉ tăng thêm phụ phí từ 5.000 đồng tới 10.000 đồng/bát. Tuy nhiên ngay sau đó, vị khách cũng phản bác lại điều này và đưa ra bằng chứng chuyển khoản thành công số tiền 1,2 triệu đồng.

Trước điều này, chủ quán vội xin lỗi khách, hỏi thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển lại tiền thừa.

Thực tế, việc tăng giá ngày Tết không phải chuyện lạ. Thường trong dịp Tết, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đã có thông báo về chuyện tăng giá. Đối với các nhà hàng, quán cà phê mức tăng sẽ dao động khoảng từ 10 – 20% tuỳ thương hiệu. Còn đối với các quán ăn vỉa hè, bình dân, đồ ăn được tăng lên khoảng 10 – 20 nghìn tuỳ món.

Lý giải điều này, các chủ cửa hàng đều lý giải, việc tăng giá bởi chi phí hoạt động của các nhà hàng gồm các phần như nhân công, nguyên vật liệu đều tăng. Và mức tăng ấy hoàn toàn được các thực khách chấp nhận.

Tuy nhiên, cũng không hiếm những nhà hàng, quán ăn có động thái không minh bạch như quán bún riêu 54 Bạch Mai nói trên.

Hành vi bán giá cao đột biến đợt Tết Nguyên đán sẽ bị xử lý như thế nào?
Khách hàng trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu vào tối mùng 1 Tết. Ảnh: Facebook nhân vật

Hành vi bán giá cao hơn bị phạt tiền đến 10.000.000 đồng

Về việc tăng giá đột biến trong đợt Tết, trước đó, Bộ Công an đã cho biết, hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá dịp Tết Nguyên đán sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Cụ thể, Điều 13, Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.

Bên cạnh đó, cá nhân/doanh nghiệp có hành vi tăng giá còn phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm; buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi phạm theo quy định…

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách Nhà nước.

Giá vàng hôm nay 14/1/2025: vàng giảm do hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá gần đây Giá vàng hôm nay 14/1/2025: vàng giảm do hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá gần đây
Giá vàng hôm nay 18/1/2025: vàng giảm do hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá gần đây Giá vàng hôm nay 18/1/2025: vàng giảm do hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá gần đây
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động