Hành trình nghệ thuật rực rỡ của đạo diễn phim “Biệt động Sài Gòn”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐạo diễn Long Vân là nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Thiên Kim |
Sau khi bị tai nạn ở chân, đạo diễn Long Vân di chuyển khó khăn, chủ yếu dùng xe lăn. Vài tháng gần đây, ông chỉ nằm một chỗ, sức khỏe sa sút rất nhiều. Sự ra đi của người nghệ sĩ gạo cội khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả tiếc thương sâu sắc.
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang học tập tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc, cùng lớp với những người bạn nổi tiếng là GS. Nguyễn Lân Dũng, GS. Hồ Ngọc Đại... Trong thời gian sống tại khu học xá, ông đã được xem một số bộ phim và có mong muốn sau này được theo nghiệp làm phim.
Khi đang làm việc tại Bộ Giáo dục, nghệ sĩ Long Vân biết trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển lớp đạo diễn và diễn viên khóa đầu nên đã đăng ký dự thi. Ông trúng tuyển vào lớp đạo diễn, học cùng khóa với những đạo diễn tên tuổi như cố NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành. Tuy nhiên, sau đó đạo diễn Long Vân lại được gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên.
Trước khi làm đạo diễn, đạo diễn Long Vân có thời gian dài làm phó đạo diễn. Những tác phẩm của ông đều được đánh giá rất cao. Năm 1979, bộ phim "Tiếng gọi phía trước" của ông đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế. Sau đó, ông tiếp tục làm các phim: Nơi gặp gỡ của tình yêu, Cho cả ngày mai, Biệt động Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn,…
Bộ phim nổi tiếng nhất của ông là “Biệt động Sài Gòn” - phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên tài năng như: Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín,…Đây cũng được coi là bộ phim huyền thoại của điện ảnh nước nhà, đưa tên tuổi các diễn viên lên tầm cao mới.
Quay phim trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, đạo diễn Long Vân không sử dụng cascadeur. Các diễn viên thẳng tay đánh đấm trong nhiều cảnh để tạo sự chân thật. Nghệ sĩ Hai Nhất (vai Ba Cẩn) chia sẻ nhớ nhất đoạn Thương Tín (vai Sáu Tâm) đá vào người, lực khá mạnh khiến ông bị đau.
Ở cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn, nghệ sĩ Thanh Loan đảm nhận vai diễn này bị dội nước lạnh, quay trong một đúp là hoàn thành. Hay cảnh em bé giao liên do Vân Dung (con gái đạo diễn Long Vân đóng) bị tra tấn bằng bầy rắn, ông mua rắn thật về nhổ răng, rút nọc và không cho con biết trước.
Đến viếng đạo diễn Long Vân, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân xúc động: "Người đã ra đi nhưng hội viên, đồng nghiệp và khán giả mãi nhớ một nhà làm phim xuất sắc nhưng cũng thật lặng lẽ, khiêm nhường. Còn lại đó những tác phẩm sống mãi với thời gian".
Là diễn viên từng đóng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, NSND Thu Hà chia sẻ chị khâm phục tài năng của đạo diễn Long Vân. Những đại cảnh khó, nhân lực lên đến hàng nghìn người, phương tiện hỗ trợ cho công việc đạo diễn còn thô sơ nhưng nghệ sĩ Long Vân vẫn chỉ huy tài tình để có những thước phim chất lượng.
NSND Thu Hà tiết lộ thêm để được đóng vai diễn Út Vân trong “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, chị phải mất đến 2 năm “chinh phục” đạo diễn Long Vân vì ông lựa chọn diễn viên rất kỹ. Trong quá trình thực hiện phim, ông nghiêm khắc, kỹ tính nhưng ngoài đời rất hiền lành, khiêm tốn.
Đạo diễn Tất Bình xúc động khi phát biểu về người anh, người bạn thân thiết của mình: "Đạo diễn Long Vân đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa. Ông để lại một nụ cười hiền và ấm áp như chính con người ông. Đạo diễn Long Vân mất đi là tổn thất to lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Ngành điện ảnh Việt Nam đã mất đi một đạo diễn tài hoa, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh cách mạng".
Nhạc sĩ Xuân Phương - tác giả ca khúc nổi tiếng "Mong ước kỷ niệm xưa" đột ngột qua đời | |
Thông tin về lễ tang của nhạc sĩ Xuân Phương |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại