Chủ nhật 19/05/2024 07:21

Hàng ngàn lao động mất việc từ động thái “khai tử” lò gạch Hoffman ở Bình Dương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Việc hàng trăm cơ sở sản xuất gạch Hoffman bị cắt điện đồng loạt đã đẩy họ vào bước đường phá sản, hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư không có khả năng thu hồi, hàng ngàn lao động mất việc làm, đồng nghĩa với sự xáo trộn, khó khăn của hàng ngàn gia đình.

Nước mắt người làm gạch

Ông Nguyễn Văn Thắng, một chủ một cơ sở lò gạch trên địa bàn huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) cho biết: Thời gian qua, chủ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã liên tục gửi đơn đến các cấp từ Trung ương đến địa phương để cầu cứu. Thế nhưng, tình hình vẫn không hề xoay chuyển trước chủ trương cứng rắn của UBND tỉnh Bình Dương.

Vào ngày 24 và 25/6/2015, lực lượng liên ngành của huyện Phú Giáo, gồm cả công an, dân phòng đến quản lý thị trường, phòng kinh tế…. phối hợp cùng nhân viên điện lực Phú Giáo xuống cắt điện từng cơ sở sản xuất gạch Hoffman. Các chủ cơ sở và người lao động tỏ thái độ không đồng ý với việc cắt điện, nhưng phản ứng của các chủ cơ sở và người lao động cũng không thay đổi được kết quả là bị cắt điện.

Nhiều người lao động đã phải bật khóc tức tưởi trước viễn cảnh mất việc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của gia đình họ. Theo chia sẻ của nhiều nhân công, khi làm việc ở đây, ngoài việc kiếm đồng lương để lo ăn ở cho bản thân họ còn phải dành dụm tiền để gửi về nhà nuôi con cái, bố mẹ già.

“Họ cắt điện như vậy, đến các chủ cơ sở còn ngập đầu trong nợ nần, phá sản thì hoàn cảnh của người lao động chúng tôi sẽ trôi dạt về đâu...”, một người lao động bùi ngùi chia sẻ.

Cuộc sống của hàng ngàn lao động làm gạch Hoffman rồi sẽ đi về đâu?

“Chủ trương riêng” của tỉnh

Trao đổi với PV, bà Trương Thị Kim Ánh, chủ cơ sở sản xuất gạch Thành Đạt cho biết: Cách đây hơn chục năm, khu vực Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng…. là huyện vùng đồi núi, sâu, xa, kinh tế kém phát triển. Thời điểm này, chính quyền đã ra sức kêu gọi các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman đến đây để sinh sống, đầu tư sản xuất nghề gạch, còn cấp cả giấy ưu đãi đầu tư, cấp phép sản xuất gạch xây dựng từ cách đây hơn chục năm... Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ sở, doanh nghiệp này đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, kinh doanh có đăng ký, mua bán có hóa đơn chứng từ và nộp thuế đầy đủ

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg về việc “phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, Chính phủ định hướng các doanh nghiệp, cơ sở phải đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường… Ủng hộ chủ trương trên, chúng tôi đã vay vốn để chuyển đổi từ lò thủ công lên công nghệ Hoffman của Đức. Với mức đầu tư từ 5 đến 12 tỷ đồng cho một lò thì các doanh nghiệp gạch chúng tôi đã phải đầu tư cả ngàn tỷ đồng để thay đổi công nghệ.

“Về việc chính quyền cho rằng chúng tôi đầu tư sai quy hoạch, thì xin các vị ấy hãy đọc kỹ lại các văn bản chỉ đạo của của Thủ tướng chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ ban ngành tham mưu. Chính phủ đã có chủ trương cho những cơ sở như chúng tôi được phép tồn tại đến năm 2020. Thế nhưng trong khi các tỉnh khác tiếp thu chủ trương của Chính phủ cho các lò Hoffman tiếp tục hoạt động, thì tại tỉnh Bình Dương các lãnh đạo nơi đây lại quyết tâm khai tử chúng tôi bằng một “chủ trương riêng” có dấu hiệu “thiếu minh bạch”….”, bà Trương Thị Kim Ánh bức xúc.

Được biết, vừa qua các cơ sở sản xuất gạch Hoffman đã cùng đứng đơn khiếu nại và kiến nghị khẩn cấp, bày tỏ quan điểm không đồng thuận với Công văn số 1217/UBND-KTN ngày 21/4/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc lập thủ tục chấm dứt hoạt động các lò Hoffman xây dựng không phép, không đúng quy định do ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký và Thông báo số 55/TB-UBND ngày 25/5/2015 về việc chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman trước ngày 10/6/2015 trên địa bàn huyện do ông Tô Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Giáo ký.

UBND huyện “lật kèo” trước hạn(!?)

Theo diễn biến mới nhất của vụ việc thì vào ngày ngày 10/6/2015, UBND huyện Phú Giáo đã có văn bản gửi Điện lực Phú Giáo để “đề nghị Điện lực Phú Giáo ngừng cung cấp điện sản xuất đối với 26 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn huyện”. Đến ngày 22 và 23/6/2015, tập thể các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman trên địa bàn đã trực tiếp đến tại UBND huyện Phú Giáo nộp đơn kiến nghị xin không cắt điện.

Tại đây, đại diện UBND huyện Phú Giáo tiếp nhận đơn cùng lời hẹn trong thời hạn 10 ngày sẽ thông báo kết quả xử lý. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó UBND huyện Phú Giáo đã “lật kèo”, cho một lực lượng hùng hậu xuống cắt điện tại các cơ sở sản xuất gạch trong khi chưa có câu trả lời cho kết quả xử lý như đã hẹn trong giấy biên nhận.

Liệu việc “lật kèo” nêu trên của UBND Phú Giáo có đúng quy định của pháp luật? Phải chăng đằng sau một quyết định vội vàng của UBND huyện Phú Giáo là muốn quyết tâm cho “khai tử” bằng được các doanh nghiệp sản xuất gạch Hoffman, ép doanh nghiệp vào bước đường phá sản, vì một mục đích thiếu minh bạch như lời tố cáo của các doanh nghiệp (?).

H.Đăng-V.Khoa

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động