Hà Nội: Xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBảo đảm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định để ngành chăn nuôi Thủ đô phát triển bền vững. Ảnh: Thiện Tâm |
Nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi phát triển
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tuy là Thủ đô nhưng TP Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi phát triển với diện tích đất sản xuất nông nghiệp có trên 197 nghìn ha, chiếm 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Tổng đàn trâu hiện có 28,7 nghìn con, đàn bò 128,4 nghìn con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn gia cầm 38,7 triệu con, đàn chó mèo 438 nghìn con.
Bên cạnh đó, có 6.515 trang trại chăn nuôi (lớn, vừa nhỏ); tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn là 1.058 cơ sở, trong đó 25 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.033 cơ sở kinh doanh thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc cho động vật. Trên địa bàn TP có 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ.
Từ số lượng, quy mô trên tạo một lượng chất thải lớn. Chất thải trong chăn nuôi gồm chất thải rắn ước khoảng 4,35 triệu tấn/năm. Chất thải lỏng ước khoảng 2.640,05 triệu lít/năm và chất thải từ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, từ các dụng cụ hoá chất sử dụng trong chăn nuôi, phòng trị bệnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chất thải trong chăn nuôi nếu xử lý triệt để sẽ là nguồn phân bón dồi dào phục vụ cho cây trồng, giảm đầu tư phân bón đối với trồng trọt, cải tạo chất lượng đất. Những lợi ích cụ thể như sử dụng phân gia súc làm phân bón không chỉ làm tăng năng suất cây trồng mà còn đem lại nhiều lợi ích khác cho môi trường.
Tận dụng được nguồn phân động vật bón cây, nhưng không gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Tiết kiệm đáng kể tiền mặt dùng để mua phân bón. Nếu có phân động vật bán thì hiệu quả chăn nuôi lại tăng thêm, hay việc sử dụng chất thải chăn nuôi làm từ chất đốt khí sinh học, giúp mỗi gia đình nông thôn Việt Nam tiết kiệm được từ 1 đến 3 triệu đồng/năm, trong điều kiện đun nấu thoải mái.
Tuy nhiên, với lượng chất thải lớn như trên cũng là những thách thức đặt ra cho các cấp, các ngành và người dân. Trong chất thải chăn nuôi chứa rất nhiều tạp chất sẽ làm ô nhiễm đất, rối loạn độ phì của đất. Kim loại nặng (như kẽm, đồng…) có xu hướng tích lũy trong đất, đặc biệt ở lớp đất gần bề mặt và gây độc hại về lâu dài.
Ngoài ra, cũng ảnh hưởng ô nhiễm tới nguồn nước và không khí, khi chất thải chôn lấp không đúng chỗ, không đúng quy định, gần nguồn nước sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Trên thực tế khi gia súc gia cầm bị tiêu hủy thì cơ bản nhiễm khuẩn, nhất là khi việc tiêu hủy không kịp thời bị phân hủy, thối rữa làm phát sinh mầm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tực tiếp đến con người và gia súc gia cầm.
Xử lý ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để xử lý môi trường trong chăn nuôi của Hà Nội cần phát triển chăn nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, đây là giải pháp đặt lên hàng đầu. Hiện tại, Hà Nội đã có định hướng và các giải pháp phát triển chăn nuôi từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo đó, định hướng sản xuất chăn nuôi theo tiểu vùng như vùng gò đồi (gồm các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai), định hướng phát triển tập trung các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là bò thịt, bò sữa, lợn thịt, gà thả vườn, các loại con nuôi đặc sản.
Vùng đồng bằng đối với vùng có địa hình cao (Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Oai …) tập trung phát triển chăn nuôi gà, lợn; đối với vùng thấp trũng (như Ứng Hòa, Phú Xuyên, một phần huyện Mỹ Đức) tập trung nuôi thủy cầm theo hướng trang trại chăn nuôi kết hợp với thủy sản.
Vùng bãi ven sông (sông Hồng, sông Đáy, sông Đà, sông Tích...) phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội, các loại vật nuôi chủ yếu bò thịt, bò sữa, lợn, gà.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, cần đẩy mạnh xử lý vấn đề môi trường từ chất thải rắn bằng một số công nghệ như xử lý chất thải bằng hệ thống Biogas vì sử dụng hầm Biogas vừa bảo vệ được môi trường vừa có thể thay thế chất đốt hoặc có thể được sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại, sử dụng phân từ phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học.
Hoặc xử lý khí thải từ chuồng trại chăn nuôi và chất thải chính là việc làm tốt các giải pháp tổng hợp về chất thải rắn, nước thải, kết hợp các giải pháp về xây dựng chuồng trại, đảm bảo chế độ chăm sóc nuôi dưỡng chính là biện pháp tổng hợp giảm khí thải (mùi hôi, khí Co2, NH3…) vừa đảm bảo an toàn môi trường chăn nuôi vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1520/QĐ/TTg ngày 6/10/2020 phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó có 5 đề án ưu tiên đó là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi. Từ đây, các địa tập trung triển khai thực hiện sẽ mở ra một hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi phát triển hiệu quả, trong đó có việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Hà Nội: Khó khăn trong việc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư | |
Nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi để đáp ứng thị trường |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại