Hà Nội: Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là một phần nội dung chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại văn bản về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021.
Theo đó, UBND TP nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TP trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020 như: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 6 và giảm 5,9% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 6 và giảm 19,7% so với cùng kỳ; Khách du lịch nội địa ước đón 17 nghìn lượt, giảm 98,6% so cùng kỳ; dự kiến 7 tháng năm 2021 ước đón 2,92 triệu lượt khách, giảm 43,1% so cùng kỳ…
Tuy nhiên, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp của Thành phố có xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1% so với tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%). Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ (8,7%); Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 2.85 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,6% (cùng kỳ giảm 9,2%)…
Trong 5 tháng cuối năm 2021, TP còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần tập trung thực hiện, phải hoàn thành theo kế hoạch. UBND TP yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai quyết đoán, linh hoạt các giải pháp quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh; đồng thời tận dụng thời cơ bứt tốc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Về nhiệm vụ cần chú trọng trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 với công việc cụ thể giao cho các sở, ngành. UBND TP nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, tạo đà tăng tốc về đích trong các tháng cuối năm. UBND TP yêu cầu: Ngay từ đầu tháng 8, các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế TP các tháng cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo UBND TP trong tháng 8-2021.
Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP theo từng lĩnh vực; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt trong tháng 7, 7 tháng đầu năm như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp), 7 tháng năm 2021 tăng 8,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%, khai khoáng tăng 3%, và một số lĩnh vực khác,…
Hà Nội đặt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19 (ảnh TL) |
Cơ cấu cân đối nguồn lực của TP ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, lập hồ sơ, nhân lực, vật tư thi công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm của TP. Đảm bảo tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch.
Tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách TP theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng; xem xét giãn, hoãn các khoản thuế, phí phù hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài khi tình hình dịch ổn định. Triển khai các giải pháp hiệu quả thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.
Tập trung sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tái đàn, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2021 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.
“Vắc-xin về tới đâu tiêm ngay cho người dân tới đó” Về nhiệm vụ khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 với quyết tâm, cao nhất, UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện thị xã bám sát thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản, thông báo kết luận của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, công điện, chỉ thị… của UBND TP về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19: Kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”. Triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế. Có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Xử lý khẩn trương, quyết liệt khi có ca nhiễm mới; rà soát kỹ F0, cách ly triệt để các trường hợp F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới. Khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và các ổ dịch khác trong thời gian sớm nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn; Kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... và nghi nhiễm SARS-CoV-2 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; Khẩn trương rà soát, bổ sung năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế đạt tiêu chuẩn. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng. Tập trung triển khai Phương án số 170/PA-UBND ngày 21-7-2021 của UBND TP về chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP với phương châm “vắc-xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, quy định, an toàn, hiệu quả. UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các sở chỉ huy phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố đảm bảo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương. Huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các lực lượng từ quận, huyện, thị xã tới các xã, phường, thị trấn, lực lượng dân phòng, tổ dân phố,... Chỉ đạo các lực lượng bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ không để người dân di chuyển khỏi TP tới khi hết giãn cách xã hội (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép). Phối hợp với các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các công ty, xí nghiệp, nhà máy… đóng trên địa bàn và trong các khu công nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng chống dịch; chỉ cho phép cơ sở sản xuất hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch và phương án phòng, chống dịch đã được được phê duyệt. Triển khai hiệu quả Kế hoạch cung ứng hàng hóa; đảm bảo hoạt động của các hệ thống bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. Quản lý, sắp xếp việc mua bán hàng hóa, phân bổ và quy định thời gian hợp lý cho nhân dân mua sắm tại các chợ; Bảo vệ vững chắc địa bàn, rà soát chặt chẽ tình hình dịch tại từng phường, xã, đẩy mạnh xác lập các vùng không có dịch (“vùng xanh”) để tập trung quản lý, không để dịch bệnh xâm nhập.
UBND TP giao CATP tiếp tục triển khai ra quân kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội; duy trì các chốt kiểm soát 100% phương tiện ra/vào TP tại các cửa ngõ lớn, đường nhánh, đường mòn, lối mở, bến đò ngang, bến thủy nội địa. Phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chỉ đạo của UBND TP về thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định. Giao Sở GT-VT phối hợp với CTP kiểm soát tại các chốt dịch 24/24g; tổ chức tốt hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19… Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, mất ổn định thị trường. Các Sở sở, ngành: Tài chính, LĐ-TB-XH, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, BHXH TP, CATP, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND TP về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng. Kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chính sách hỗ trợ. Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân sai phạm, cố tình gây khó khăn, chậm trễ trong triển khai thực hiện. Giao Sở Đ-TB-XH theo dõi, tổng hợp, định kỳ hằng tháng báo cáo UBND TP. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại