Chủ nhật 24/11/2024 18:21

Hà Nội: Vượt qua khó khăn, vươn mình mạnh mẽ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày Quốc khánh 2/9 là mốc son lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Cùng cả nước, Hà Nội ngàn năm văn hiến đã luôn phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Hà Nội đặt quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu phát triển năm 2023. Ảnh: Gia Huy
Hà Nội đặt quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu phát triển năm 2023. Ảnh: Gia Huy

Theo số liệu thống kê, tính trong 8 tháng của năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 282.000 tỷ đồng, đạt 79,9% kế hoạch và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố có 2.716 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký mới đạt 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng 41%.

Đáng chú ý, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về đăng ký doanh nghiệp 8 tháng năm 2023, Hà Nội có trên 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 2,18 triệu lượt khách, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,4%, tăng 28,5% so với cùng kỳ.

Hà Nội cũng tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến: 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hoá, khu du lịch; kết nối với 06 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

Với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP, nhằm tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Một trong những dấu mốc lớn là ngày 25/6/2023, tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô đã được khởi công tại 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), tạo động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô, các địa phương lân cận và cả nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo phía trước còn vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng là truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ, Hà Nội hôm nay đã chủ động nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực để hiện thực hóa ý chí và khát vọng vươn lên.

TP Hà Nội quán triệt, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Để xây dựng, hoàn thành cơ chế, chính sách định hướng phát triển Thủ đô, TP đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Bên cạnh việc kiên trì thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh khó khăn, TP Hà Nội đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.

Trong phát triển kinh tế, TP giữ ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Quy hoạch và phát triển đô thị, cải thiện hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, mở rộng các không gian kinh tế mới. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.

TP hướng đến thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn; kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành và đang nỗ lực triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa. TP xác định văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, hướng đến xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Thành phố vì hòa bình”; Thực hiện các cam kết với UNESCO về “Thành phố sáng tạo”.

Từng bước cụ thể hóa huy động các nguồn lực về văn hóa, nhân văn trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng và hoàn thành 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ngày 30/8 vừa qua, chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Hà Nội đã hoàn thành đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; đang đôn đốc tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào sử dụng Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; khởi công Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.
Hà Nội: Triển khai sâu rộng các chính sách hỗ trợ giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Hà Nội vượt qua khó khăn, các cân đối lớn phát triển kinh tế-xã hội được đảm bảo
Hà Nội: Nỗ lực vượt qua những khó khăn của thị trường
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động