Hà Nội trong tôi: hành trình trở về ý nghĩa trong ngày tiếp quản Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Lưu Quyến và Bà Bùi Thị Linh đã nên duyên khi cùng tham gia cách mạng. Ảnh: Lưu Tâm |
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, Nhân dân ta đã chiến thắng thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, buộc họ phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 21/7/1954. Khi đó, Hà Nội là nơi quân đội Pháp tập kết rút quân trong thời gian 80 ngày. Do đó, quân và dân Thủ đô tiếp tục đấu tranh chính trị để chống lại âm mưu phá hoại của Pháp, được Mỹ giúp đỡ gây khó khăn cho ta trước khi phải chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến.
Lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội là các đơn vị quân đội và chúng ta đã có sự chuẩn bị rất đầy đủ, chu đáo cho việc tiếp quản Thủ đô. Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội Nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Các cánh quân từ các cửa ô, tiến vào nội thành tiếp quản Hà Nội trong khí thế chiến thắng hào hùng và niềm vui vỡ òa, tràn đầy cảm xúc của các tầng lớp Nhân dân đón mừng quân ta trở về.
Cùng đoàn quân chiến thắng, cán bộ tham gia kháng chiến từ các ngành, các bộ trên chiến khu Việt Bắc cũng về tiếp quản để nhận nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế xây dựng lại Thủ đô cho xứng tầm một đất nước độc lập.
Nhớ lại những ngày đó, sau này qua những lời kể của bố mẹ và các cô bác đã tham gia kháng chiến, bà Lưu Linh Tâm không khỏi bồi hồi khi ôn lại những kỉ niệm, bà kể: Bố và mẹ tôi tham gia kháng chiến ngay từ những năm đất mới giành được độc lập.
Bố tôi tên thật là Lưu Quyến, thường gọi là Hoàng Cẩn, biệt danh có từ hồi ở chiến khu Việt Bắc (được đặt khi tham gia cách mạng). Bố tôi xuất thân từ gia đình bần nông ở Hà Đông, nhà nghèo nên ra Hà Nội kiếm sống và được giác ngộ cách mạng. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố tôi tham gia tự vệ thành sau đó theo Việt Minh lên chiến khu Việt Bắc.
Còn mẹ tôi là Bùi Thị Linh (tức Phương - biệt danh cũng đặt khi ở chiến khu) xuất thân ở 1 gia đình khá giả, là tiểu thương quê ở Bắc Ninh. Mẹ tôi có tính hướng ngoại nên thích hoạt động thanh niên cứu quốc, công tác phụ nữ. Ông tôi cũng ủng hộ Việt Minh nên khi mẹ tôi muốn thoát ly, ông tôi đã đồng ý.
Ông Lưu Quyến và Bà Bùi Thị Linh đã gắn bó trọn đời hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Lưu Tâm |
Bố mẹ tôi đã gặp nhau trên chiến khu và cùng hoạt động ở Tuyên Quang (mọi người gọi là An toàn khu -ATK ) tìm hiểu và lấy nhau trên đó. Bố mẹ tôi kể, hồi cưới nhau trên chiến khu, cơ quan tổ chức cưới tập thể cho mấy đôi cùng lúc. Liên hoan mừng cưới chỉ có vài đĩa lạc rang và chén nước chè tươi mà vẫn thấy ấm áp, tình cảm tràn đầy.
Sau đó, tôi được sinh ra trên chiến khu, ngay vào những ngày tháng 5/1954 lịch sử. Tháng 10/1954, khi đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, bố mẹ bế tôi còn ẵm ngửa cùng đoàn quân trở về và có lẽ tôi là một trong những công dân tí hon đầu tiên cùng trở về và được ở tại khu tập thể Bộ Tài chính, tại số 1, Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi trở về tiếp quản Thủ đô, bằng tâm huyết của tuổi trẻ, bố mẹ tôi đã cố gắng cống hiến, nhận nhiệm vụ khôi phục kinh tế xây dựng lại Thủ đô. Trong công tác chuyên môn, bố tôi được tín nhiệm, làm thư kí cho Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau đó được đề bạt Vụ Phó Vụ 5 của Văn phòng Chính phủ phụ trách ngành Bưu điện và Hàng không. Mẹ tôi cũng học Đại học Tài chính và làm Phó Trưởng phòng Vụ Tài vụ Hành chính và Văn xã của Bộ Tài Chính.
Bà Bùi Thị Linh, gặp lại các đồng chí cùng hoạt động tại khu tập thế phố Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Lưu Tâm |
Cả một đời theo cách mạng, bố mẹ tôi đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành mình công tác và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bố tôi đã nhận thành tích như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Mẹ tôi nhận: Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
“Hoà trong niềm vui chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, tôi cũng tròn 70 tuổi gắn bó với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, chứng kiến bao chặng đường phát triển của Thủ đô. Cô bé năm nào còn ẵm ngửa theo cha mẹ từ chiến khu trở về, nay mái đầu cũng điểm bạc nhưng trong tâm trí tôi, bố mẹ mãi là tấm gương cho chúng tôi noi theo.
Cuộc đời này, tôi đã sống theo đúng những lời căn dặn, luôn thực hiện nguyện ước của bố mẹ là: Dù làm bất cứ công việc gì, ở đâu, cương vị nào cũng phải cố gắng hết sức mình, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội”- bà Lưu Linh Tâm xúc động chia sẻ.
Đồng lòng tái thiết ổn định phát triển cuộc sống! | |
Hà Nội trong tôi: miền hoài niệm dấu yêu |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại