Hà Nội rà soát những công dân đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội nêu: Diễn biến tại Hàn Quốc phức tạp, Chính phủ nước này nâng mức cảnh báo cao nhất. Tại 2 trung tâm dịch bệnh của Hàn Quốc tiến hành các biện pháp gần như Vũ Hán.
Diễn biến dịch rất nhanh, chỉ trong vòng 4 ngày, đến giờ đã có 602 trường hợp nhiễm Covid- 19 và có gần 7.000 người chờ có kết quả với 5 người tử vong. Tại I- Ran thời tiết nóng mà đã có 6/28 người mắc tử vong.
“Diễn biến lây nhiễm Covid- 19 hết sức phức tạp, khó lường. Quá trình ủ bệnh, lây bệnh không có biểu hiện Covid-19. Việc lây nhiễm chéo vô cùng nguy hiểm”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Chính vì vậy, TP Hà Nội cảnh báo chú ý rà soát những công dân từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các địa bàn cũng đã nắm được số lượng công dân này.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội là có địa bàn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vì địa bàn đông dân cư, nguồn đi lại từ các vùng dịch trước đây chỉ tính Vũ Hán, công dân đến từ Trung Quốc, từ Vĩnh Phúc,…
Đến nay chưa phát hiện được các công dân đi đường tiểu ngạch, khác lây nhiễm chéo mà chỉ trong nhóm 16 trường hợp dương tính. Nhưng nhiều nước tại Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc chưa xác định được nguyên nhân xuất xứ. Như vậy, chúng ta lại xuất hiện yếu tố và nguy cơ mới.
|
“Mặc dù chưa có chỉ đạo của Chính phủ coi Hàn Quốc, Nhật Bản như là vùng dịch, nhưng tôi tin với diễn biến phức tạp như thế này thì Hà Nội phải chủ động”, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 TP Hà Nội nhấn mạnh.
Sau Trung Quốc phải tính Hàn Quốc là số 1, rồi đến Nhật Bản, Hồng Kong, Đài Loan, Singapore, Ý, Pháp là những quốc gia mà Hà Nội phải lưu ý. Qua 8 địa bàn này cho thấy, Hà Nội thêm nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn. Thời gian qua mới rà soát chứ chưa có biện pháp gì cụ thể liên quan đến thực hiện biện pháp cách ly, liên quan đối với người đến từ vùng dịch (Hàn Quốc) trong 1 tuần vừa qua. Chúng ta không được chủ quan.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao cho CATP chủ trì phối hợp với CA các quận huyện, Ban quản lý các toà nhà chung cư tổ chức rà soát nắm tình hình tất cả các khu vực có người nước ngoài đang sinh sống, học tập với phương châm “đến từng nhà, rà từng hộ”, dứt khoát phải có danh sách.
Hoặc các khách sạn, phải ghi lịch trình, có tờ khai đối với những khách hàng đến từ những nước này để tránh tình trạng như các nước giờ đi truy tìm theo hành trình của các bệnh nhân rất khó khăn xác định giờ đi, phương tiện đi, những người đi cùng. Phải rà soát kết hợp tuyên truyền để nắm rõ được xuất xứ, đặc biệt ở hai khu vực từ Hàn Quốc.
Tất cả số người đến từ các nước khu vực này phải nắm rõ tình hình, Sở Y tế phải tập hợp toàn bộ tình hình để chiều mai báo cáo với Chính phủ. Trách nhiệm tuyên truyền là do Ban quản lý toà nhà thực hiện, khai báo tạm trú nghiêm túc; chính quyền các quận, huyện phải nắm được hàng ngày.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Từ giờ phút này các công dân Việt Nam đi từ vùng này về (từ ngày 18-2) phải đến cơ quan y tế để giám sát. Cần rà soát, tuyên truyền để họ tự giác thông tin, nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân với gia đình, với bạn bè và có trách nhiệm với cộng đồng. Khi có dấu hiệu của bệnh phải kịp thời thông tin. Tinh thần “quyết liệt, nghiêm túc không chủ quan, chủ động ứng phó với mọi tình hình”.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng dịch Covid-19 TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận huyện giao lực lượng công an, phòng văn hoá, các phường… rà soát và yêu cầu những quán bar, karaoke hạn chế hoạt động.
“Không khéo thành ổ dịch như chơi…”, Chủ tịch Thành phố nói. Ngoài ra, ông Chung cũng yêu cầu trên tất cả các quận huyện tại những toà nhà chung cư, cao tầng bắt buộc phải có nước khử khuẩn rửa tay để trước khi vào vào, ra thang máy người dân sử dụng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại