Hà Nội: phát triển vùng nông nghiệp dựa trên chức năng kinh tế, sinh thái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVùng sản xuất rau an toàn tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Văn Biên |
Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện 18/18 huyện và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu.
Đời sống người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, thu hẹp khoảng cách về mọi mặt giữa khu vực ngoại thành với khu vực trung tâm TP.
Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Số liệu ước tính đến năm 2023 đã đạt 63,28 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 7 lần so với năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống chỉ còn 0,06% (tức là cơ bản không còn hộ nghèo so với từ 12,5% năm 2008).
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, một số lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội dẫn đầu toàn quốc, như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% của cả nước. Ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước với quy mô đàn trên 40 triệu con (trong đó, đàn gia cầm đứng đầu cả nước, đàn lợn đứng thứ 3)…
Ngoài ra, nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây, con chất lượng tốt, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn. TP Hà Nội hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt. 45 mô hình chăn nuôi. 54 mô hình thủy sản. 1 mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội còn phát triển nhiều mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng sản xuất xanh. Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát huy tối đa nguồn lực từ nông nghiệp đô thị.
Tạo điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, đến nay, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Bước vào giai đoạn mới, Hà Nội đổi mới về phát triển nông nghiệp. Xác định được mô hình phát triển phù hợp với điều kiện Thủ đô. Trong đó, mục tiêu chính đặt ra là phục vụ cho quy mô 10 triệu dân và tập trung vào một số lĩnh vực có thế mạnh như giống cây trồng - vật nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội có khát vọng thay đổi diện mạo nông thôn TP với cách tiếp cận mới, trong đó giữ gìn được nền tảng truyền thống văn hóa đi đôi với nâng cao đời sống khu vực nông thôn. Giữ “phố trong làng, làng trong phố”, tạo điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn cho du khách.
Theo đó, về trước mắt, TP Hà Nội đã rà soát lại toàn bộ chính sách cho phát triển nông nghiệp Thủ đô và đã kịp thời ban hành bộ chính sách mới của TP về phát triển nông nghiệp, với quan điểm vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách theo quy định của trung ương cho các lĩnh vực khuyến khích phát triển, như: Sản xuất giống, cơ giới hóa, chuỗi liên kết, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, sinh thái...
Về lâu dài, TP đã đánh giá, nghiên cứu và xác định các điểm nghẽn gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp, như: Vấn đề quản lý sử dụng, tích tụ đất đai cho tổ chức sản xuất; thẩm quyền quyết định trong việc khuyến khích tổ chức sản xuất, các vấn đề về mô hình sản xuất, tổ chức sản xuất... để đề ra các giải pháp tháo gỡ.
Đặc biệt, để phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại trên nền tảng giá trị văn hóa của người Hà Nội và nền văn minh nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, phù hợp với xu thế hội nhập, kết nối toàn cầu và lan tỏa, Hà Nội cần tập trung quy hoạch các vùng nông nghiệp dựa trên chức năng kinh tế, sinh thái.
Theo đó, Hà Nội xây dựng cơ chế đặc thù trong quy hoạch và quản lý không gian nông nghiệp Thủ đô và định hướng phát triển phù hợp với từng không gian phát triển Hà Nội như: Khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị mở rộng; khu vực đô thị vệ tinh; khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm...
Cụ thể, vùng nội đô lịch sử, cần phát triển nông nghiệp đô thị theo mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, nông nghiệp tinh hoa, thông minh, tạo không gian xanh, cảnh quan môi trường sinh thái.
Vùng đô thị mở rộng (diện tích trong vành đai 4 gồm 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận và các huyện) định hướng phát triển theo mô hình thành phố trong thành phố, phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi sang đô thị, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, an dưỡng);
Vùng quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, du lịch giáo dục, trải nghiệm.
Vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết hợp giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng nông sản trong vùng Đồng bằng sông Hồng...
Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, những năm qua, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, Thành ủy - UBND TP Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư lớn để thúc đẩy phát triển khu vực “tam nông”. Nhờ đó, nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều bước tiến vượt bậc, bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực. Nông nghiệp Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô với quy mô sản xuất gần 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD, cao hơn xấp xỉ 8 lần so với năm 2008, đứng tốp đầu về quy mô so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng), duy trì và bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm ổn định cho người dân, tạo việc làm và vành đai xanh cho Thủ đô. |
Hà Nội phát triển thêm từ 10 đến 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2024 | |
Du lịch nông nghiệp, nông thôn định hướng liên kết cùng phát triển |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại