Thứ sáu 05/07/2024 13:14

Hà Nội: ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Cục Quản lý thị trường đã nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Hà Nội: ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: T. Linh

Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như: Thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm, đồ gia dụng…

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như: khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện, thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng cũng không tránh khỏi những mặt tiêu cực như tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu… gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).

Ngoài ra, để tăng niềm tin, các đối tượng còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng...

Bên cạnh đó, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng.

Để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, các đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn, khi nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, Gu.ci...

"Thủ đoạn của các đối tượng này là thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa, nên khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát", đại diện Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, hằng năm, Cục đã thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao, triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Đồng thời, giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.

Các phòng, đội quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý như: Sở Công Thương; Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05); Công an thành phố, quận, huyện, thị xã… để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng vi phạm.

Ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, YouTube…

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý trong tháng cao điểm về kích cầu mua sắm hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại như ngày Black Friday, Online Friday, Cyber Monday…Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

"Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trường kết hợp vận động, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, giải đáp pháp luật, giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức từng bước nâng cao trách nhiệm, có ý thức trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử" - ông Dương Mạnh Hùng cho hay.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 245 vụ việc có vi phạm thương mại điện tử, tổng số tiền phạt hành chính gần 3,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đã kiểm tra, xử lý 259 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử (từ dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử phát hiện các hành vi vi phạm khác) với số tiền phạt hành chính hơn 4,5 đồng; giá trị tang vật vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng.
Hà Nội: đứng đầu cả nước về số vụ việc hàng giả, gian lận thương mại được kiểm tra, xử lý
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu
Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh chống các hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động