Hà Nội: đứng đầu cả nước về số vụ việc hàng giả, gian lận thương mại được kiểm tra, xử lý
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng TP Hà Nội tạm giữ gần 10.800 gói kẹo nghi nhập lậu tại ga Ngọc Hồi, ngày 7/6/2024. Ảnh: ĐĐ |
Trong đó, phát hiện, bắt giữ 4.773 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 2.253 vụ mua bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 27.199 vụ vi phạm về gian lận thương mại, gian lận về thuế; khởi tố 262 vụ đối với 339 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 8.491 tỷ 913 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 744 tỷ 826 triệu đồng.
Điển hình, ngày 7/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế-Công an huyện Thanh Trì tiến hành khám điểm tập kết hàng hóa tại khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 7 và cơ quan phối hợp phát hiện tại điểm tập kết hàng hóa tại nhà mái tôn nằm trong Khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội có 15 thùng carton đựng hàng hóa là thực phẩm (kẹo viên) có ghi nhãn chữ nước ngoài, tổng số 10.800 gói kẹo.
Toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, tại thời điểm kiểm tra chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên.
Trước đó, vào tháng 5/2024, khi kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại quận Hoàng Mai, Tổ công tác gồm Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã thu giữ 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng. Bao bì các sản phẩm lạp xưởng đều in chữ nước ngoài. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, chủ số thực phẩm trên là Lê Thế Kiên (sinh năm 1995, trú tại tỉnh Lào Cai).
Làm việc với lực lượng chức năng, Kiên cho biết, toàn bộ hàng hoá được thu mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn, chứng từ. Mỗi túi Kiên nhập về với giá 50.000 đồng, sau đó bán ra với giá 80.000 đồng. Lạp xưởng chủ yếu được đổ buôn cho các quán ăn kinh doanh trên vỉa hè, các cửa hàng tạp hóa…
Các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, khó, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh.
Theo ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, để đạt được những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc tích cực kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, không để các đối tượng lợi dụng tình hình kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống đầu cơ, găm hàng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tạo khan hiếm nguồn cung ứng xăng dầu giả tạo để trục lợi bất hợp pháp, nhằm góp phần ổn định thị trường.
“Với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời, tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng khác, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan khác trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…” – ông Dương Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử | |
Giải pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu về hàng gian, hàng giả, hàng nhái |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại